Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý mạn tính phổ biến gây giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến thẩm mỹ của rất nhiều người, đặc biệt phụ nữ tuổi trung niên hoặc sau sinh đẻ, hậu quả có thể tiến triển nặng nếu không phát hiện và điều trị sớm. Ở Mỹ, có khoảng 1/3 nữ giới trưởng thành đang có tổn thương này ở các mức độ khác nhau.
Đây là bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể tuy nhiên chúng ta thường gặp ở hai chi dưới do hệ thống mạch hai chân dài và chịu áp lực lớn từ trọng lực khi đi đứng.
Khi suy giãn tĩnh mạch không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng bao gồm đau tức hai chân, phù chân, nặng chân, loạn dưỡng da, loét và chảy máu, tạo huyết khối tĩnh mạch trôi nổi trong lòng mạch và nguy cơ thuyên tắc mạch phổi. Với nữ giới thì yếu tố thẩm mỹ cũng vô cùng quan trọng.
Những triệu chứng giúp chúng ta chẩn đoán bệnh này bao gồm: Giãn các mao mạch và tĩnh mạch nông ở chân, sưng phù xung quanh mắt cá đặc biệt vào buổi tối hoặc khi đứng lâu, cảm giác tê bì tức nặng và chuột rút bắp chân. Các triệu chứng này thường tăng lên về chiều tối hoặc khi đứng lâu và giảm nhẹ đi sau khi ngủ dậy hoặc được được nghỉ ngơi, gác chân cao. Để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ bệnh suy giãn tĩnh mạch, chúng ta chỉ cần siêu âm doppler hệ mạch hai chân. Đây là thăm dò chẩn đoán nhanh chóng, chi phí thấp, chính xác và không độc hại.
Xem thêm: Sức khoẻ phụ nữ: 4 điều bạn cần phải biết để bảo vệ sức khỏe của mình
Với bệnh lý này, cơ bản bác sĩ xin gửi 10 NỘI DUNG DỰ PHÒNG chính sau đây, mọi người lưu tâm giúp bác sĩ nhé!
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Các thói quen như đứng lâu hay ngồi lâu một tư thế cần được hạn chế. Tối đa 90 phút, hãy đứng dậy đi lại, ép giãn xương khớp và hệ cơ. Hạn chế đi giầy cao gót vì sẽ gây co bóp hệ thống mạch ở chân do các cơ thường xuyên ở tình trang căng cứng. Chọn mặc trang phục rộng rãi, thoải mái thay vì đồ bó sát vì chúng sẽ ảnh hưởng tới sự lưu thông máu ở tay chân. Tạo thói quen gác cao chân khi ngủ hoặc khi phải ngồi làm việc gì đó lâu.
Tập thể dục
Tăng cường tập thể dục thể thao để nâng cao sức bền thành mạch và tăng khả năng lưu thông máu (bơi, đạp xe, yoga, dance, aerobic, tập với bóng cao su…). Người bị suy giãn tĩnh mạch cần tránh chạy bộ nhanh.
Bài tập nâng chân và mát-xa chân rất giá trị
Nâng chân làm giảm các triệu chứng giãn tĩnh mạch và sưng phù chân do tạo điều kiện thuận lợi cho dòng maáu trở về tim. Nằm ngửa, nâng cao chân trên mức của tim, giữ ở vị trí này trong ít nhất 20 phút với tần suất 3-4 lần/ngày. Mát-xa giúp hỗ trợ lưu thông máu ở chân và nên sử dụng áp lực toàn bàn tay nhẹ nhàng hoặc đầu các ngón tay xoa bóp từ gót chân lên về phía gốc chi. Nếu thấy đau hoặc khó chịu, hãy bỏ qua, chỉ cần tập bài nâng chân là được.
Dinh dưỡng đầy đủ
Chú trọng dinh dưỡng là một trong những điều chúng ta luôn cần chú ý cho sức khỏe, đặc biệt bổ sung nhóm vitamin C, vitamin E và collagen. Dấm táo có tác dụng tốt giúp cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch do tác dụng làm tăng lưu thông máu và giảm sưng viêm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thực phẩm giàu chất xơ có khả năng ngăn ngừa tình trạng giãn tĩnh mạch chân. Chất xơ có nhiều từ các loại thực phẩm tự nhiên như rau xanh, trái cây, củ quả, ngũ cốc nguyên hạt…
Mang tất tạo áp lực
Tất giãn tĩnh mạch (tất y khoa giãn tĩnh mạch) giúp bó chặt 2 chân hơn so với tất thông thường, sẽ cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch thông qua việc tạo áp lực hợp lý lên chân để chúng không bị giãn nở thêm. Đồng thời, tất co giãn còn hỗ trợ các cơ và hệ thống tĩnh mạch trong việc điều hướng đưa máu lưu thông về tim. Những người thường xuyên phải đứng, đi lại hoặc ngồi lâu một chỗ nên mang tất y khoa. Để ngăn chặn máu ứ trệ ở chân, vào buổi sáng trước khi ra khỏi giường, nên đi tất ngay lúc đang nằm và sử dụng chúng cả ngày.
Kiểm soát cân nặng
Thường xuyện kiểm soát trọng lượng cơ thể đảm chỉ số BMI trong giới hạn bình thường vì cân nặng quá mức cũng là yếu tố nguy cơ gây trầm trọng thêm tình trạng bệnh này.
Dùng thuốc
Ngoài giúp giảm đau, chống viêm và tan cục máu đông, thì việc dùng thuốc còn giúp hỗ trợ tăng vững bền thành mạch. Đây là điều trị nền tảng trong bệnh lý suy tĩnh mạch.
Dùng sản phẩm bôi lên da
Sử dụng kem dầu olive, dầu dừa, vitamin E, dấm táo,… bôi lên vùng da bị suy giãn giúp cải thiện tình trạng bệnh.
Khám sức khỏe định kỳ
Khám chuyên khoa tim mạch định kỳ để phát hiện sớm những tổn thương và lên kế hoạch chữa trị, dự phòng kịp thời.
Điều trị nội khoa
Khi những giải pháp trên chưa mang lại hiệu quả như ý muốn, mọi người có thể cân nhắc tiêm xơ, đốt sóng cao tần, laser nội mạch (khi giãn tĩnh mạch nhỏ và khu trú). Phẫu thuật cắt bỏ các tĩnh mạch giãn, sửa van, tạo hình tĩnh mạch khi có chỉ định với những tổn thương giai đoạn muộn. Tuy nhiên, vì suy giãn tĩnh mạch là một bệnh mạn tính, mọi người nên ưu tiên các phương pháp điều trị nội khoa không xâm lấn (không phẫu thuật) ngay từ sớm để ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu đi.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh suy giãn tĩnh mạch, một tổn thương vô cùng hay gặp ở nữ giới. Rất mong mọi người tham khảo áp dụng và SHARE giúp bác sĩ tới cộng đồng nếu thấy ít nhiều giá trị, anh chị nhé!
Trân trọng thật nhiều!
Bác sĩ Khánh.