Bệnh ung thư là một trong nhưng tên gọi gây ám ảnh nhất cho cả người bệnh, người nhà và những người thầy thuốc. Một điều đáng buồn đó là tỷ lệ mắc bệnh ung thư đang có dấu hiệu tăng lên, tuổi đời xuất hiện ung thư cũng trẻ dần, có những thanh niên mới đôi mươi đã mắc căn bệnh khủng khiếp này. Với mong muốn góp một phần nhỏ giúp mọi người hiểu được phần nào về căn bệnh này cũng như biết lựa chọn giải pháp để phát hiện, điều trị và dự phòng sớm, bác sĩ Khánh xin được gửi đến các bạn bài viết tổng hợp rất ngắn gọn về những bệnh ung thư hay gặp cũng như cách phát hiện và dự phòng sớm.
Ung thư vú
Đây là loại ung thư phổ biến nhất mà phụ nữ có thể phải đối mặt trong cuộc đời. Theo cơ quan nghiên cứu ung thư Thế giới (IARC) vào năm 1998, ung thư vú chiếm 21% các loại ung thư ở phụ nữ. Nếu được phát hiện sớm, kết quả điều trị của ung thư vú rất khả quan. Bạn là nữ giới? bạn cần làm gì để ngăn ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này. Bác sĩ khánh xin gửi đến các bạn những giải pháp sau:
Các bạn gái từ 20-30 tuổi nên có thói quen đi khám vú 1 năm/1lần, với phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám thường xuyên hơn, 6 tháng/1 lần.
- Phụ nữ trên 40 tuổi nên đi chụp tuyến vú và siêu âm tuyến vú hằng năm.
- Tập thói quen tự khám vú cho mình: quan sát và tự sờ nắn nhẹ nhàng vú để nhận ra sự thay đổi của vú, núm vú và vùng xung quanh khi tắm (Núm vú chảy dịch bất thường, quanh vú ấn có vùng có mật độ chắc cứng hơn các vùng khác…)
Ung thư phổi
Đây được đánh giá là loại ung thư giết người đáng sợ nhất ở nam giới, hút thuốc lá chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới căn bệnh này. Cũng rất không may, hiện nay chưa có phương pháp tầm soát đạt hiệu quả cao. Để ngăn ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, điều đầu tiên đó là các bạn cần bỏ thuốc lá ngay nếu đang hút, gia đình và cơ quan nơi làm việc cần tránh xa nơi ô nhiễm không khí, nơi có các nhà máy hóa chất và khí đốt (nếu không thể “dừng” được thì các bạn cần ưu tiên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên hơn), tập thói quen chơi thể thao hằng ngày, ăn uống điều độ và biết lựa chọn. Với nam giới trên 40 tuổi, cần đi khám phổi (chụp X-quang phổi, xét nghiệm yếu tố gợi ý u phổi ở trong máu…), khi có nghi ngờ (dù là nốt mờ nhỏ nhất ở phổi) các bạn cần chụp cắt lớp vi tính phổi, sinh thiết khối nghi ngờ (nếu có) và gửi đi xét nghiệm tế bào học để chẩn đoán xác định.
Ung thư tử cung và buồng trứng
Ung thư tử cung (Ung thư nội mạc tử cung và ung thư cổ tử cung) cùng với ung thư buồng trứng được xếp vào nhóm ung thư hay gặp thứ hai ở phụ nữ sau ung thư vú. Đây cũng là những ung thư có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị phẫu thuật kịp thời. Những yếu tố nguy cơ bao gồm: Phụ nữ sau 50 tuổi, phụ nữ thừa hocmon Estrogen (Béo phì, cao huyết áp, tiểu đường..) hoặc đang điều trị liệu pháp hocmon Estrogen thay thế đơn thuần, phụ nữ quan hệ tình dục sớm và có tiền sử nạo phá thai nhiều lần, phụ nữ nhiễm vi-rút HPV, phụ nữ hút thuốc lá hoặc có tiền sử viêm loét cổ tử cung.
Để dự phòng và phát hiện sớm căn bệnh này, trẻ gái từ 9-26 tuổi (trước khi có quan hệ tình dục) cần tiêm phòng vắc-xin HPV, các bạn nữ trên 21 tuổi cần tập thói quan đi khám sản-phụ khoa định kỳ hằng năm và làm cả xét nghiệm PAP (xét nghiệm tế bào học để tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung), cố gắng tránh tối đa các yếu tố nguy cơ bác sĩ Khánh nêu ở trên, và cuối cùng là có một cuộc sống lành mạnh (trong ăn uống, thể thao và quan hệ tình dục)
Ung thư tuyến tiền liệt
Đây là một trong những ung thư hay gặp nhất ở nam giới, tuy nhiên loại ung thư này thường phát triển rất chậm chạp, phát hiện sớm khi khối u chưa phát triển ra ngoài giới hạn của tuyến tiền liệt thì kết quả điều trị thành công rất cao (thường trên 95%). Những yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tiền liệt bao gồm: Tuổi (tuổi càng cao nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt càng tăng, đặc biệt nam giới sau 65 tuổi), da màu den (da đen hay mắc bệnh ung thư này hơn, khoa học chưa giải thích được vì sao), lịch sử gia đình có người mắc căn bệnh này, và cuối cùng là những người béo phì.
Để ngăn ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, các “nam nhi” cần lưu ý: Với nam giới sau 40 tuổi nên tập thói quan đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, với tuyến tiền liệt các bạn cần siêu âm và xét nghiệm PSA trong máu (kháng nguyên chuyên biệt tuyến tiền liệt), khi có kết quả nghi ngờ các bạn cần chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt, cân nhắc sinh thiết và xét nghiệm tế bào học, có thể làm thêm xét nghiệm xạ hình xương toàn thân (bone scan) và chụp cắt lớp vi tính. Cố gắng tránh béo phì, nếu tiền sử gia đình có người thân bị ung thư tuyến tiền liệt thì các bạn cần ưu tiên theo dõi và khám định kỳ tuyến tiền liệt cho mình hơn.
Ung thư đường tiêu hóa (Vòm họng, thực quản, dạ dày, đại tràng và trực tràng)
Đây là nhóm các ung thư rất hay gặp ở cả hai giới. Tuy nhiên theo trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Mỹ, tiến hành nội soi dạ day-đại tràng định kỳ hằng năm có thể giảm tới 60% nguy cơ tử vong do căn bệnh này khi bệnh được phát hiện sớm. Những yếu tố nguy cơ của nhóm ung thư đường tiêu hóa bao gồm: Người trên 50 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh này, chế độ ăn nhiều thịt ít rau và chất xơ, những người có các bệnh lý về đường tiêu hóa (viêm ruột, loét dạ dày, polyp..), người ít vận động thể thao, người uống nhiều rượu và tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất.
Để ngăn ngừa và phát hiện sớm, các bạn cần cố gắng tránh các yếu tố nguy cơ trên (trừ yếu tố tuổi tác, theo tháng năm ai rồi cũng phải già) và tập thói quen đi khám sức khỏe định kỳ để siêu âm ổ bụng, xét nghiệm yếu tố ung thư đường tiêu hóa trong máu (Tumor marker) và nội soi dạ dày-đại tràng định kỳ 6 tháng-1 năm/1lần.
Ung thư tuyến giáp
Đây là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Theo tổ chức chống ung thư toàn cầu (IUAC) năm 2002 tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư tuyến giáp ở nữ giới là 2.7 người/100.000 dân và 1.3 người/100.000 dân với nam giới. Điều trị ung thư tuyến giáp chủ yếu là phẫu thuật kết hợp dùng Iod phóng xạ, tiên lượng với ung thư tuyến giáp rất tốt trong đa số các trường hợp.
Với ung thư tuyến giáp, hầu như không có dấu hiệu gợi ý sớm, vì vậy thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, và luôn phải nhớ siêu âm tuyến giáp kết hợp xét nghiệm hocmon tuyến giáp để giúp sàng lọc sớm căn bệnh này. Khi có tổn thương nghi ngờ tại tuyến giáp, các bạn cần tập trung làm các xét nghiệm và thăm dò bổ sung để đi đến chẩn đoán xác định (sinh thiết tổn thương để xét nghiệm tế bào, xạ hình tuyến giáp, chụp cộng hưởng từ tuyến giáp..)
Ung thư gan
Đây là ung thư rất nguy hiểm, tiên lượng xấu, và thường liên quan chặt chẽ đến những người uống nhiều rượu hoặc nhiễm vi-rút viêm gan (Viêm gan B, C, D, E). Với ung thư này, bác sĩ Khánh khuyên mọi người dự phòng bằng cách hạn chế uống rượu số lượng lớn và lâu dài, những người mang vi-rút viêm gan cần có thói quen đi khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng như siêu âm, xét nghiệm chức năng gan, đánh giá và theo dõi sự hoạt động của vi-rút viêm gan 6 tháng/1lần.
Lời kết: Đa số các bệnh ung thư thường không gây ra triệu chứng ở giai đoạn đầu. Đó chính là lý do vì sao, hầu hết các trường hợp được chẩn đoán ung thư ở giai đoạn muộn – khi khối u đã di căn đến toàn bộ cơ thể, và tử vong là điều không tránh khỏi.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh hoặc phát hiện bệnh sớm để điều trị thành công bằng cách thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư bắt đầu từ độ tuổi 40 hoặc sớm hơn (hoặc theo lời khuyên của bác sĩ). Đó là giải pháp giúp phát hiện những bất thường, tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng-khi cơ hội điều trị thành công cao, có thể lên tới 100%.
Bác sĩ khánh chúc bạn và gia đình sức khỏe!