Hôm nay Bs nhận được thông tin từ người bạn xin tham khảo ý kiến về một trường hợp bệnh nhân tử vong khi đi mổ sỏi thận. Theo như thông tin Bs nhận được thì bệnh nhân bị sỏi thận nhiều năm, đã mổ vài lần trong tình trạng tắc nghẽn và nhiễm trùng tiết niệu. Lần này bệnh nhân khoẻ mạnh hơn nên gia đình chủ động đi mổ lấy sỏi để ngăn ngừa đường tiết niệu tắc nghẽn và tình trạng nhiễm trùng tái phát. Tuy nhiên sau ca mổ, bệnh nhân rơi vào hôn mê, khi khảo sát sọ não bệnh nhân có tình trạng nhồi máu não nửa bán cầu, khả năng hồi phục và qua cơn nguy kịch là rất thấp.
Câu chuyện này làm Bs nhớ về một số trường hợp trước đây đã từng xảy đến ở một số bệnh viện khác nhau. Bệnh nhân bị gãy xương đùi đơn thuần vào viện và mổ phiên (mổ có sự chuẩn bị), ca mổ diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên sau khi bệnh nhân ổn định, chuyển về khoa nằm theo dõi mấy tiếng thì lên cơn tức ngực khó thở, suy hô hấp và tím tái..Tất cả những can thiệp cấp cứu đều không hiệu quả, bệnh nhân tử vong rất nhanh sau đó. Gia đình người thân thấy quá đường đột nên yêu cầu khám nghiệm tử thi. Kết quả động mạch phổi của bệnh nhân bị huyết khối gây tắc hoàn toàn, đây là một trong những biến chứng thường gặp và nguy hiểm hằng đầu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, và chúng ta chỉ có thể dự phòng để hạn chế chúng xảy đến mà thôi. Bác sĩ xin nhắc lại, nhân viên y tế chỉ có thể dự phòng để hạn chế nguy cơ chứ không thể kiểm soát hoàn toàn những tai biến này. Một trường hợp khác, bệnh nhân hậu phẫu thay khớp gối gần một tuần, ngày bệnh nhân dậy tập vận động đi lại để chuẩn bị ra viện, lúc vào nhà vệ sinh ra, đột ngột xuất hiện cơn đau ngực, khó hít vào, khuỵ ngã rồi rơi vào hôn mê rất nhanh, bệnh nhân được đặt ống thở & cấp cứu tuy nhiên không qua khỏi.
Sau mỗi ca tử vong đột ngột xảy đến, luôn để lại những câu hỏi thậm chí là những thắc mắc, nghi ngờ từ người nhà bệnh nhân. Thực sự thì trong nhiều trường hợp, nhân viên y tế và các bác sĩ cũng rất khó có câu trả lời xác đáng nếu như gia đình bệnh nhân không đồng ý khám nghiệm pháp y, vì ở đất nước như Việt Nam mình, chuyện để người nhà về trong nguyên vẹn (mà không đồng ý mổ xác khám nghiệm) là phần đông, thì những khúc mắc này cứ kéo dài mãi, và dường như đang ngày càng tăng dần, vì câu trả lời cuối cùng vẫn chưa thể rõ ràng sau mỗi sự ra đi đường đột. Thực sự, là người thầy thuốc, Bs cũng rất thấu cảm & chia sẽ với nỗi mất mát quá đường đột này, nhất là khi tưởng chừng như niềm vui sắp trọn vẹn.
Nhưng…Người ra đi, đã đi mãi. Chúng ta, những người ở lại có nên hành động vội vàng hay mọi người cần bình tĩnh đi tìm hiểu rõ ngọn nguồn câu chuyện & nguyên nhân của cái chết, để từ đó có thể ngăn ngừa chúng tiếp tục xảy đến trong tương lai. Điều này cao đẹp & ý nghĩa hơn thật nhiều. Phải không anh chị?
Về đột tử, dưới đây Bs xin được gửi đến câu trả lời, hy vọng ít nhiều sẽ làm hài lòng bạn đọc.
4 nguyên nhân chính gây ra đột tử
Đột tử (Sudden Death) là một trong những thách thức của người thầy thuốc. Và bao năm qua, y học đã luôn cố gắng kiếm tìm NGUYÊN NHÂN gì gây nên những tình huống đó, có như vậy mới hy vọng “ngăn ngừa-giải quyết” được vấn đề.
Theo thống kê của hội tim mạch Hoa Kỳ và trung tâm y khoa Mayo Clinic, có 4 nhóm nguyên nhân chính gây nên đột tử cả trong lẫn ngoài bệnh viện, chúng bao gồm:
Nguyên nhân tim mạch
Trong đó chủ yếu là ngừng tim & nhồi máu cơ tim.
- Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột tử. Mỗi năm có khoảng 326000 bệnh nhân bị ngưng tim tại Mỹ và chỉ có tầm 10.8% sống sót, trong đó nam giới chiềm phần đa. Còn với nhồi máu cơ tim, chỉ tính tại nước Mỹ, cứ mỗi 43 giây lại có 1 người bị, trong đó khoảng 1/5 các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng. Rộng lớn hơn, theo dữ liệu y tế được tổng hợp từ hơn 190 quốc gia cho thấy bệnh tim vẫn là nguyên nhân gây tử vong số 1 trên toàn cầu với 17,3 triệu ca tử vong mỗi năm và dự kiến con số này sẽ tăng lên hơn 23,6 triệu vào năm 2030.
- Nguyên nhân gây ngừng tim thường do bệnh cơ tim phì đại (là bệnh có yếu tố di truyền và đây là nguyên nhân hay gặp nhất), bất thường động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim, hội chứng Brugada…
- Có một tổn thương ngừng tim hay xảy đến với các vận động viên thể thao lúc đang thi đấu và các huấn luyện viên cũng cần biết được y học gọi là Commotio Cordis. Đó là hiện tượng một vật tác động thẳng trực tiếp và đột ngột vào thành ngực xảy đến trong thì tái cực của tim dẫn đến rung thất và ngừng tim. Tổn thương gặp hầu hết nam giới tuổi thiếu niên, hiếm gặp với người trên 20 tuổi. Hiện tượng Commotio Cordis được báo cáo trên tạp chí Y học nổi tiếng New England vào năm 1995 và hiện nay đã có nhiều thầy thuốc lưu tâm báo cáo.
Đột quỵ (Tai biến mạch máu não)
- Đây là nhóm nguyên nhân thứ hai dẫn đến cái chết đột ngột nhưng lại thường bỏ qua. Có 2 loại đột quỵ: do nghẽn mạch máu não hoặc do vỡ mạch máu não. Đột quỵ nghẽn mạch chiếm phần lớn (80%), thường có liên quan đến bệnh tim mạch và mỡ máu cao trong khi đột quỵ vỡ mạch máu thường do cao huyết áp không được kiểm soát và uống nhiều rượu.
- Tai biến mạch não thường gặp ở người trên 60 tuổi, nam nhiều hơn nữ những nếu xảy đến ở nữ, tiên lượng nặng nề hơn.
Đột tử do cục máu đông làm tắc mạch phổi (thuyên tắc mạch phổi)
Cục máu đông xuất hiện ở động mạch phổi làm tắc hệ thống mạch máu vào-ra phổi trao đổi khí dẫn đến cơ thể thiếu ô-xy đột ngột và tử vong. Hằng năm có khoảng 60000-100000 người tử vong do tắc mạch phổi, trong đó đáng sợ hơn cả là có đến 25% (15000-25000 người) chết bất thình lình với hai triệu chứng thường gặp là khó thở và đau ngực.
Các cục máu sâu thường hình thành khi chúng ta không hoạt động trong thời gian dài. Kết quả là, tắc mạch phổi thường xảy đến ở những người nằm liệt giường vì một căn bệnh nghiêm trọng hoặc chấn thương, hoặc những người đang hồi phục sau phẫu thuật. Nguy cơ này cũng tăng lên đối với những người ngồi lâu không vận động trong các chuyến bay đường dài hoặc các chuyến đi bằng ô tô.
Vỡ động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, bao gồm 1 đoạn chạy trong ngực và 1 đoạn chạy trong bụng, có nhiệm vụ như dòng kênh lớn nhất giúp lưu chuyển máu đi khắp cơ thể. Vì một lý do nào đó (tuổi già, bệnh mạn tính, nhiễm trùng, cao huyết áp…) làm thành mạch yếu đi, phình ra, gây nên phình động mạch chủ. Một trong số đó vỡ sẽ gây nên bệnh cảnh vỡ động mạch chủ, bệnh nhân mất máu rất nhanh & ồ ạt, 90% tử vong trong tích tắc.
Đây là tối cấp cứu trong ngoại khoa tuy nhiên hầu hết mọi người ít nghĩ đến trong cuộc sống hằng ngày.
Trên đây Bs tóm tắt 4 nhóm nguyên nhân chính gây nên đột tử, trong gây mê hồi sức còn một nhóm nguyên nhân nữa đó chính là sốc phản vệ và trào ngược dị vật vào đường thở. Với những bệnh cảnh ở trên, chúng ta hầu như có rất ít thời gian để xử lý, hoặc nếu có thì những hậu quả, di chứng để lại cho bệnh nhân cũng vô cùng nặng nề (sống thực vật, liệt nửa người, khuyết hụt thần kinh khu trú…). Vậy nên Bs luôn nhấn mạnh rằng mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh & thực hành phòng bệnh, vì đó là yếu tố quyết định giúp ta hạn chế được rủi ro đột tử bất cứ lúc nào.
Cách dự phòng đột tử
Với đột tử do ngừng tim, ngay cả ở nước Mỹ thì việc sàng lọc và kiểm soát những người có nguy cơ bị ngừng tim cũng vô cùng khó khăn & chưa hiệu quả. Vậy nên, dự phòng bằng cách giải quyết các yêu tố nguy cơ chính là chìa khóa của vấn đề.
- Những rủi ro ngưng tim bao gồm người hút thuốc lá, dùng thuốc an thần lâu dài, bệnh tăng mỡ máu, bệnh cao huyết áp, và một số bệnh lý khác như ung thư hoặc bệnh tự miễn. Chúng ta cần kiểm soát tốt những nội dung trên.
- Caffeine và nicotine, cả hai đều có thể làm tăng nhịp tim và làm trầm trọng thêm vấn đề rối loạn nhịp tim đã tồn tại bằng cách làm cho tim đập nhanh hơn. Ngoài ra, thuốc bất hợp pháp như cocaine, amphetamines và các chất kích thích khác có thể gây rối loạn nhịp tim ngay cả ở những trái tim khỏe mạnh trước đây.
- Tiền sử gia đình có người thân độ 1 (cha mẹ, con cái, anh chị em) từng bị ngừng tim hoặc tai biến mạch não cũng rất vô cùng quan trọng, vậy nên nếu ai trong quý vị có yếu tố liên quan đó, chúng ta cần tìm đến Bs chuyên khoa tim mạch ngay nhé!
- Với tai biến mạch não, vỡ động mạch chủ, những yếu tố dự phòng hằng đầu bao gồm:
- Số 1 là kiểm soát huyết áp, tiểu đường, không thuốc lá & hạn chế rượu.
- Điều trị tốt bệnh lý tim như rung nhĩ, suy tim, bệnh mạch vành và chủ động khảo sát mạch máu não.
- Hạn chế lạm dụng thuốc ngừa thai, thuốc điều chỉnh hoc-môn sinh dục, thuốc giảm đau không kê đơn (Naproxen, Ibuprofen..), tránh lối ăn nhiều dầu mỡ chiên rán và những thức ăn nhanh.
- Người chơi thể thao hoặc trong cuộc sống hằng ngày thỉnh thoảng có đau ngực trái, tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực, xỉu…hoặc tất cả mọi người trên 65 tuổi luôn nên cần chủ động đi khám tim mạch hằng năm.
- Thể thao đều đặn cũng là 1 yếu tố vô cùng quan trọng, giúp trái tim & thành mạch thêm “dẻo dai” & đàn hồi, đồng thời làm giảm lượng mỡ máu, mảng cholesterol thừa bám trong thành mạch.
- Hết sức lưu ý với những ai đã từng có tiền sử chấn thương ngực-bụng, nhiễm trùng, phẫu thuật tim, lịch sử gia đình & di truyền…vì đây là những đối tượng có nguy cơ cao bị phồng lóc & vỡ động mạch chủ.
- Với thuyên tắc mạch phổi, những lưu ý dự phòng chính bao gồm:
- Phẫu thuật. Các phẫu thuật vùng bụng, xương chậu, thay khớp gối, khớp háng và gãy xương lớn như xương đùi…luôn có nguy cơ cao của thuyên tắc mạch phổi, đột tử. Người thầy thuốc cần thực hành dự phòng huyết khối trong phác đồ điều trị.
- Ung thư. Một số bệnh ung thư có tác dụng làm quánh máu làm tăng nguy cơ hình thành máu cục lang thang trong lòng mạch. Điều này đặc biệt đúng đối với ung thư vùng chậu-bụng ở giai đoạn u tiến triển.
- Mang thai & sinh con: Có nguy cơ thuyên tắc phổi cao hơn cả trong và ngay sau khi sinh con, đặc biệt đối với những người sinh mổ.
- Bệnh nhân nằm lâu sau mổ gãy xương, sau chấn thương cột sống liệt tay chân…luôn có nguy cơ cao tắc mạch phổi.
- Thuốc tránh thai, liệu pháp hormone, hút thuốc lá, người trên 70 tuổi, béo phì hoặc lịch sử tắc mạch phổi…cũng có nguy cơ cao bị tắc mạch phổi hơn những người khác.
Anh chị ạ, khi một bệnh nhân vào viện để điều trị bệnh, đặc biệt là để mổ xẻ, phẫu thuật viên cùng với bác sĩ gây mê sẽ khám xét cẩn thận, cho đi làm các xét nghiệm tối đa để vừa chẩn đoán bệnh chính phải mổ, vừa để phát hiện và xử lý các bệnh lý kèm theo như dị ứng thuốc, cao huyết áp, bệnh mạch vành, suy thận, tiểu đường, rối loạn nhịp tim….Có như vậy, chúng ta mới có thể hạn chế tối đa những rủi ro của phẫu thuật, Bs muốn nhấn mạnh là “hạn chế” anh chị ạ. Vì tất cả những khảo sát đó cũng chưa thể loại trừ hoàn toàn những biến chứng có thể xảy đến trong và sau mổ, trong đó có những tai biến, biến chứng do mổ xẻ, nhưng cũng có thể là những vấn đề phát sinh mà nó đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta hoặc nó xảy đến đúng lúc vô tình người bác sĩ “đi qua”, đó chính là nhồi máu não, đó là nhồi máu cơ tim, đó là tắc mạch phổi, đó là sốc phản vệ…
Vậy nên, về phía nhân viên y tế, ngoài việc khám xét bệnh nhân cẩn thận, thực hành điều trị đúng phác đồ và chuyên môn thì việc gặp gỡ gia đình và bệnh nhân trước mổ để giải thích tình trạng bệnh, các nguy cơ của điều trị và phẫu thuật, những rủi ro có thể xảy đến với bệnh nhân (cả khách quan và chủ quan) là điều cần thiết, để người nhà và bệnh nhân có sự chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho những trường hợp điều trị thành công hay thất bại. Có như vậy, những mâu thuẫn xung đột mới có thể được xoa dịu, tháo gỡ đi phần nào. Và bệnh nhân-người nhà cũng cần thấu hiểu một vấn đề rất quan trọng trong thực hành y khoa, đó là dù nhân viên y tế có chuyên môn cũng như thực hành mổ xẻ cẩn thận đến đâu, thì những tai biến-biến chứng vẫn luôn có thể xảy đến, trong đó có những ca tử vong rất đột ngột đến từ những nguyên nhân Bs đã nêu trên. Như một phẫu thuật viên nổi tiếng người Mỹ từng nói “Nếu một phẫu thuật viên tuyên bố phẫu thuật không có tai biến-biến chứng thì phẫu thuật viên đó một là nói dối hoặc anh ta chưa bao giờ đi mổ”.
Xin anh chị hãy “Share” để giúp mọi người hiểu ít nhiều bệnh cảnh này & những giải pháp dự phòng, anh chị nhé!
Trân trọng!
BsKhánh, phẫu thuật viên khoa phẫu thuật cột sống
BV Hữu Nghị Việt Đức.