Sức khỏe cho mọi nhàTRẦM CẢM SAU SINH: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ GIẢI PHÁP

TRẦM CẢM SAU SINH: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ GIẢI PHÁP
T

Sự ra đời của em bé có thể “kích hoạt” một sự lẫn lộn của những cảm xúc mạnh mẽ, từ sự phấn khích và niềm vui vỡ oà đến cả nỗi sợ hãi và lo âu. Thậm chí nó cũng có thể dẫn đến một tình trạng tâm lý mà chúng ta không hề mong đợi và rất nguy hiểm. Đó là trầm cảm sau sinh.
Dưới đây là những thông tin cơ bản nhất của căn bệnh trầm cảm sau sinh. Một trong những căn bệnh rất nhiều chị em phụ nữ, thậm chí cả nam giới đang mắc phải hiện nay.

TRẦM CẢM SAU SINH LÀ GÌ?


Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression-PPD) là một trong những rối loạn tâm trạng sau sinh hay gặp nhất, đặc biệt ở tháng đầu tiên sau sinh và có thể kéo dài cả nhiều năm trời nếu không được chẩn đoán và điều trị. Theo thống kê, có từ 10% đến 20% các bà mẹ gặp trầm cảm sau sinh, một tỷ lệ rất cao và ai cũng có thể mắc. Nguy hiểm hơn, có đến tầm một nửa trong số đó không được chẩn đoán và điều trị, nhiều người không hề hay biết mình đang mắc bệnh. Chính điều đó dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như người mẹ bị trầm cảm mạn tính về sau, trầm cảm lây sang cả người bố, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cũng như thay đổi cảm xúc hành vi khi lớn lên, gia đình ly hôn tan vỡ, ý nghĩ tự tử, bỏ đi…
Do tính chất nguy hiểm của bệnh nên việc phát hiện và điều trị kịp thời có thể giúp chúng ta kiểm soát các triệu chứng, giảm thiểu những biến chứng nghiêm trọng và tăng gắn kết mối quan hệ mẹ-bé, vợ-chồng.

YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY TRẦM CẢM SAU SINH

  • Người mẹ có tiền sử trầm cảm, hoặc trong khi mang thai hoặc vào những lúc khác hoặc bị trầm cảm sau sinh sau khi mang thai trước đó.
  • Có thành viên gia đình đã bị trầm cảm hoặc rối loạn tâm trạng khác.
  • Mang thai không được dự tính, không mong muốn hoặc sinh đôi, sinh ba..
  • Người mẹ đã trải qua những sự kiện căng thẳng trong năm qua, chẳng hạn như biến chứng mang thai, bệnh tật hoặc mất việc làm, áp lực tài chính..
  • Em bé có vấn đề về sức khỏe hoặc có nhu cầu đặc biệt.
  • Người mẹ đang gặp vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng hoặc các mối quan hệ hoặc có một hệ thống hỗ trợ yếu (cha mẹ, chồng, người thân, bạn bè…)

DẤU HIỆU XÁC ĐỊNH TRẦM CẢM SAU SINH

  • Rối loạn ăn uống và giấc ngủ: Bạn đã không ăn trong vài ngày vì không cảm thấy đói hoặc bạn không thể ngừng ăn. Bạn ngủ mọi lúc hoặc bạn không thể ngủ ngay cả khi bạn có cơ hội.
  • Lo lắng: Tâm trí của bạn chạy đua với nỗi sợ hãi, lo lắng và bạn không thể giải quyết được tình trạng đó.
  • Cảm giác tội lỗi, xấu hổ: Bạn có cảm giác rằng bạn “không làm được điều này đúng”, rằng bạn là một người mẹ không tốt.
  • Cảm thấy bồn chồn, lo lắng, khóc quá nhiều hoặc hay cáu gắt.
  • Bạn khó khăn trong việc xây dựng mối liên kết mẹ con hoặc bạn rút khỏi các mối liện hệ với gia đình, bạn bè.
  • Giảm hiệu suất và niềm vui trong các hoạt động bạn đã từng thích, giảm sự tập trung và suy nghĩ.
  • Suy nghĩ về việc làm hại bản thân hoặc con bạn hoặc suy nghĩ thường xuyên về cái chết hoặc tự tử
  • Các triệu chứng thường phát triển trong vài tuần đầu sau sinh, nhưng có thể bắt đầu sớm hơn – trong thời gian mang thai – hoặc sau đó – lên đến một năm sau khi sinh. Nếu tình trạng này không được can thiệp sớm, người mẹ có thể bị rối loạn tâm thần nặng hơn, y học gọi là RỐI LOẠN TÂM THẦN SAU SINH. Đây là một tổn thương hiếm gặp cần được điều trị ngay lập tức để tránh nguy cơ dẫn đến những suy nghĩ hoặc hành vi đe dọa đến tính mạng của bản thân người mẹ và cả con trẻ.
  • Trầm cảm sau sinh là một bệnh gia đình vì đàn ông cũng có thể bị. Ước tính có khoảng 10% người cha mới trải qua tình trạng này. Họ có thể cảm thấy buồn hoặc mệt mỏi, bị choáng ngợp, lo lắng, hoặc có những thay đổi trong thói quen ăn uống và giấc ngủ-triệu chứng tương tự như những bà mẹ có trải nghiệm trầm cảm sau sinh. Những người cha trẻ, có tiền sử trầm cảm, gặp vấn đề về mối quan hệ hoặc đang gặp khó khăn về mặt tài chính có nhiều nguy cơ bị trầm cảm sau sinh hơn.

LÀM GÌ KHI NGƯỜI THÂN BỊ TRẦM CẢM SAU SINH?

Liên hệ bác sĩ tâm lý

Nếu bạn cảm thấy chán nản sau khi sinh con, bạn có thể miễn cưỡng hoặc ngượng ngùng khi thừa nhận điều đó. Nhưng nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào bác sĩ liệt kê ở trên và chúng kéo dài trên 2 tuần, chúng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn hoặc chúng làm bạn thấy khó khăn hơn trong việc chăm sóc em bé, hãy gọi cho bác sĩ tâm lý và lên lịch một cuộc hẹn sớm nhất có.

Tìm sự giúp đỡ từ người thân

Ở bất kỳ thời điểm nào, bạn có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc đứa con, ngay lập tức tìm sự giúp đỡ từ chồng, cha mẹ, người bạn thân thiết, đức cha, đến nhà thờ hoặc liên hệ bác sĩ tâm lý ngay. Vì tình trạng rối loạn tâm lý của bạn đang ở mức nguy hiểm. Tại Mỹ, có đường dây nóng nhận các cuộc gọi từ bất kỳ ai đang có ý định tự tử và các chuyên gia sẽ cố gắng hỗ trợ, ngăn chặn điều đó xảy đến.

Theo dõi và phát hiện bệnh trầm cảm sau sinh thông qua sinh hoạt hằng ngày

Những người bị trầm cảm có thể không nhận ra hoặc thừa nhận rằng họ đang chán nản. Họ có thể không nhận thức được dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm. Nếu nghi ngờ một người bạn hoặc người thân bị trầm cảm sau sinh hoặc đang phát triển chứng rối loạn tâm thần sau sinh, xin hãy giúp họ tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Đừng chờ đợi và hy vọng cải thiện.

Điều trị bằng thuốc

Những giải pháp điều trị bao gồm sử dụng thuốc chống trầm cảm, tâm lý trị liệu, thiết lập hệ thống hỗ trợ từ bạn bè người thân và chuyên gia tâm lý và cộng đồng các bà mẹ sau sinh, thay đổi lối sống, cải thiện dinh dưỡng và ngủ đủ giấc. Tránh uống rượu và các loại chất kích thích, vì những chất này có thể làm cho tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn.

Sự quan tâm và sẻ chia từ chồng, gia đình

Và trong các kế hoạch điều trị ở trên, điều quan trọng nhất anh chị cần đặc biệt lưu ý đó chính là sự quan tâm, chia sẻ từ người chồng, sự thấu cảm từ cha mẹ, người thân. Các cặp vợ chồng phải nhớ đặc biệt quan tâm chăm sóc lẫn nhau giai đoạn ngay sau sinh. Xin hãy chăm sóc cho nhau. Nó làm cho người vợ cảm thấy tốt hơn, có giá trị hơn & ổn định tâm lý hơn.

BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG TRẦM CẢM SAU SINH

  1. Nếu có tiền sử trầm cảm – đặc biệt là trầm cảm sau sinh, hãy chia sẻ với bác sĩ khi đang có kế hoạch mang thai hoặc ngay khi phát hiện mình đang mang thai.
  2. Trong khi mang thai, bác sĩ có thể theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm. Người đó có thể yêu cầu bạn hoàn thành bảng câu hỏi kiểm tra trầm cảm trong thời gian mang thai và sau khi sinh. Đôi khi trầm cảm nhẹ có thể được quản lý với các nhóm hỗ trợ, tư vấn hoặc các liệu pháp khác. Trong các trường hợp khác, thuốc chống trầm cảm có thể được khuyến cáo – ngay cả khi mang thai.
  3. Sau khi em bé được sinh ra, nên khám sức khỏe sau sinh sớm để sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm. Nếu bạn có tiền sử trầm cảm sau sinh, bác sĩ có thể đề nghị điều trị chống trầm cảm hoặc liệu pháp tâm lý ngay sau khi sinh.
  4. Hãy lựa chọn lối sống lành mạnh, bao gồm hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi bộ với em bé và các hình thức tập thể dục khác trong thói quen hàng ngày. Cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ, ăn thức ăn lành mạnh và tránh uống rượu, chất kích thích.
  5. Không đặt quá nhiều kỳ vọng vào mọi thứ và tránh tự tạo áp lực cho mình, đừng ép mình làm mọi thứ để trở nên hoàn hảo. Sẽ chẳng có ai, chẳng có người mẹ nào hoàn hảo cả, chỉ có những người mẹ yêu thương con vô bờ bến mà thôi.
  6. Biết dành thời gian cho chính mình. Hãy dành thời gian cho bản thân và ra khỏi nhà. Điều đó có thể có nghĩa là yêu cầu chồng chăm sóc em bé hoặc sắp xếp cho một người trông nom. Làm điều gì đó bạn thích, chẳng hạn như đọc sách, đi mua sắm, thậm chí là…buôn chuyện với bạn bè hoặc tham gia một số hình thức giải trí. Nếu có thể được, hãy ngủ trưa.
  7. Tuyệt đối tránh tình trạng “cách ly”. Hãy nói chuyện với chồng, với gia đình và bạn bè về cảm giác không ổn của bạn. Hãy hỏi các bà mẹ khác về kinh nghiệm của họ. Phá vỡ sự cô lập có thể giúp bạn thấy mọi việc ổn hơn rất nhiều.
  8. Kiếm tìm sự giúp đỡ. Cố gắng mở rộng-kết nối với những người gần gũi với bạn và cho họ biết bạn đang cần giúp đỡ. Anh chị cũng có thể yêu cầu giúp đỡ về kỹ năng nuôi dạy con cái từ những hội…bỉm sữa, bao gồm các kỹ thuật chăm sóc để cải thiện giấc ngủ của em bé và làm dịu cơn đau và khóc.
  9. Hãy ghi nhớ: chăm sóc em bé cũng bao gồm cả việc quan tâm chăm sóc bản thân mình. Có như vậy, mỗi chúng ta mới có được một cơ thể khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần cho những năm tháng chăm sóc con cái về sau.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về một trong những căn bệnh rất thường gặp hiện nay ở nhiều các bà mẹ hoặc thậm chí cả những chị em chuẩn bị làm mẹ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Đừng bỏ lỡ

Bài viết mới

More article