Hẹp ống sống thắt lưng là một bệnh lý rất hay gặp ở Việt Nam và thế giới, bệnh này có thể gây ra triệu chứng đau lưng và đau dây thần kinh hông to có thể lan xuống cả hai chân gây phản ứng dị cảm, đôi khi liệt cơ và rối loạn cơ tròn… Bài viết này sẽ cho ta nắm tổng quan các phương pháp để điều trị bệnh này.
Điều trị nội khoa và phục hồi chức năng
Điều trị nội khoa và phục hồi chức năng có vai trò lớn trong việc giảm các triệu chứng, góp phần chẩn đoán và hồi phục sau can thiệp. Mục đích chủ yếu là làm giảm hay mất triệu chứng đau, chỉ định và phương pháp điều trị chủ yếu dựa vào lâm sàng. Chỉ định điều trị thường cho những bệnh nhân hẹp ống sống có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, ở giai đoạn đầu của bệnh, chưa có dấu hiệu chèn ép gây teo cơ, chưa yếu hoặc liệt vận động hai chân.
Chế độ bất động trong thời kỳ cấp tính
Đây là nguyên tắc quan trọng và đầu tiên. Bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi tại giường và mặc áo chỉnh hình cột sống thắt lưng trong 5-7 ngày trong giai đoạn cấp tính, đau nhiều. Bệnh nhân đường đỡ đau rõ rệt nhưng nó chỉ được dùng khi các triệu chứng lâm sàng ít rầm rộ, còn trong các trường hợp chèn ép cấp tính thì cần điều trị ở cơ sở chuyên khoa. Tránh vận động cột sống lưng qua mức như ưỡn quá hoặc xoay lưng quá mức làm tăng áp lực trong ống tủy gây đau tăng.
Vật lý trị liệu và đông y
Xoa bóp: có tác dụng giảm đau, chống co cứng cơ và cải thiện chức năng các cơ cạnh sống. Tránh sử dụng trong những ngày đau cấp tính.
Các phương pháp nhiệt: Dùng sức nóng với tác dụng giảm đau, chống co cứng cơ, giãn mạch chủ động, tăng chuyển hóa và dinh dưỡng tại chỗ.
Dùng dòng điện: Có tác dụng tăng chuyển hóa, chống viêm giảm phù nề, kích thích thần kinh cơ, kích thích tạo tổ chức, dẫn thuốc…
Châm cứu: Chỉ định cho mọi giai đoạn của hội chứng đau. Châm cứu không những có tác dụng giảm đau mà còn có tác dụng điều trị một số rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng trong hội chứng chèn ép rễ.
Điều trị bằng laser mềm: được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều bệnh lý khác nhau. Các tác dụng sinh học của nó: giảm đau, chống viêm, kích thích tái tạo tổ chức và có tác dụng an thần.
Dùng thuốc
Thường sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau không Stesoid (AINS) kết hợp nhóm thuốc giãn cơ trong thời kỳ cấp và trọng đợt tái phát. Các thuốc an thần nhẹ và các vitamin nhóm B liều cao cũng phát huy tác dụng vì thuốc tác động lên quá trình chống viêm và chống thoái hóa, nhất là đối với tổ chức thần kinh. Hiện nay sử dụng các thuốc trong điều trị nội khoa các bệnh lý cột sống đã có những bước tiến bộ rõ rệt, các thuốc đã tác dụng ưu tiên chọn lọc và hạn chế rất nhiều các tác dụng phụ.
Liệu pháp tiêm steroid ngoài màng cứng (epidural steroid injection): dùng steroid chậm để tiêm ngoài màng cứng, có tác dụng phong bế thần kinh tại chỗ, phong bế nhận cảm đau, chống viêm. Liệu pháp điều trị nội khoa bao gồm nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau toàn thân và tiêm steroid ngoài màng cứng có tác dụng giảm đau và cải thiện triệu chứng từ 23 -30% bệnh nhân hẹp ống sống.
Giảm cân:
Giảm cân ở những bệnh nhân béo phì hoặc thừa cân là rất quan trọng, có tác dụng làm giảm triệu chứng chèn ép trong trường hợp điều trị nội khoa, và sau mổ giải ép cột sống thắt lưng.
Các phương pháp điều trị nội khoa chỉ yếu là điều trị phụ trợ, có tác dụng làm giảm triệu chứng bệnh trong giai đoạn đầu của hẹp ống sống, và đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh toàn thân nặng không thể can thiệp ngoại khoa.
Phẫu thuật:
Điều trị ngoại khoa nhằm mục đích giải phóng chèn ép tủy và rễ thần kinh mà không gây tổn thương cấu trúc thần kinh và đảm bảo sự vững chắc của cột sống. Chỉ định phẫu thuật được đặt ra khi bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn (dùng thuốc, kéo giãn cột sống, phục hồi chức năng..), bệnh nhân có biến chứng của các phương pháp điều trị bảo tồn (loét thủng dạ dày, hội chứng giả Cushing do dung nhiều Corticoid), hoặc ở các bệnh nhân đến muộn có teo cơ, bí tiểu, yếu hoặc liệt vận động hai chân.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị hẹp ống sống thắt lưng:
– Phẫu thuật giải ép thần kinh, làm rộng ống sống đơn thuần: đây vần đang là phương pháp kinh điển, tương đối đơn giản, kinh phí thấp và cho hiệu quả điều trị cao.
– Phẫu thuật giải ép thần kinh kết hợp đặt dụng cụ hỗ trợ cột sống liên gai sau Silicon: đây là kỹ thuật mới và được áp dụng ở các bệnh viên lớn dăm năm trở lại đây, sau khi phẫu thuật giải phóng chèn ép thần kinh các phẫu thuật viên sẽ đặt dụng cụ Silicon vào vị trí liên gai sau tầng đĩa đệm tương ứng nhằm hỗ trợ cho đĩa đệm đó trong các động tác vận động cúi ưỡn và xoay. Dụng cụ Silicon này sẽ được lưu vĩnh viễn trong cơ thể bệnh nhân trừ các trường hợp nhiễm trùng vết mổ, di lệch vị trí Silicon.
– Phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ đĩa đệm kèm hàn xương cố định: chỉ định trong các trường hợp hẹp ống sống nặng, nguy cơ mất vững cột sống sau mổ cao.
– Phẫu thuật nội soi: Phẫu thuật nội soi mở cửa sổ xương giải ép ở bệnh nhân hẹp ống sống thắt lưng cùng đem lại kết quả khả quan, làm giảm chấn thương phần mềm, cải thiện đau sau mổ, giúp rút ngắn thời gian nằm viện.
Ngoài các kỹ thuật trên, tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, các phẫu thuật viên có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật phù hợp như sử dụng vít loãng xương cố định sau khi giải ép thần kinh ở các trường hợp bệnh nhân loãng xương, cố định cột sống đơn thuần sau giải ép ống sống ở những trường hợp hẹp ống sống đa tầng ở người già.
(Nguồn: Trần Quốc Khánh (2011) “Nghiên cứu ứng dụng dụng cụ hỗ trợ vận động cột sống liên gai sau Silicon trong điều trị phẫu thuật bệnh lý hẹp ống sống thắt lưng tại bệnh viện Việt Đức”. Luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú trường đại học Y Hà Nội, chuyên ngành ngoại khoa)