Ruột thừa (ruột dư) là một đoạn ruột hẹp, kín, tận cùng, dài khoảng vài centimet và bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Lớp lót bên trong lòng ruột thừa tiết ra ít chất nhầy và chảy vào manh tràng. Thành của ruột thừa chứa mô bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể.
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm của ruột thừa, hầu hết trong chúng ta đều nghĩ viêm ruột thừa thì luôn luôn phải khởi đau vùng hố chậu phải và vì vậy, khi cơn đau xuất phát ở thượng vị, ở giữa rốn, ở hạ vị hay thậm chí ở dưới gan… hầu như ít ai nghĩ đến nguyên nhân viêm ruột thừa trong khi viêm ruột thừa là một trong những cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất và nó cũng thuộc nhóm “Muôn hình vạn trạng” nhất.
NHỮNG THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ VIÊM RUỘT THỪA
Để mọi người hiểu và cảnh giác hơn với căn bệnh cấp cứu vô cùng hay gặp này chúng ta cùng tìm hiểu sâu hơn về nó:
- Viêm ruột thừa hầu như không để lại hậu quả gì đặc biệt nếu chúng ta phát hiện và phẫu thuật sớm. Tuy nhiên nếu chúng ta chủ quan để muộn lại vô cùng nguy hiểm vì khi ruột thừa vỡ thì tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc lan rộng khắp ổ bụng rất dễ sốc nhiễm trùng nhiễm độc-tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người già.
- Đừng suy nghĩ viêm ruột thừa phải là đau ở hố chậu phải vì rất nhiều các trường hợp viêm ruột thừa nhưng cơn đau lại khởi phát ở những vùng xa lạ như đau thượng vị (dễ nhầm viêm dạ dày), đau dưới mạng sườn phải (dễ nhầm viêm túi mật), đau vùng hạ vị (dễ nhầm viêm phần phụ, đau kỳ kinh, đau đại tràng…), đau quanh rốn (Dễ nhầm viêm hạch mạc treo, đau do sỏi thận-niệu quản-bàng quang-niệu đạo, đau do giun, do rối loạn tiêu hoá..).
- Khi người thân chúng ta xuất hiện đau bụng, phản xạ trong đầu luôn cần nghĩ đến viêm ruột thừa dù vị trí đau có thể ở bất cứ nơi đâu của vùng bụng và cần đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, siêu âm kỹ, chụp X-quang bụng và làm một số xét nghiệm sớm nhất có thể. Thà làm xong không bị gì đặc biệt còn hơn nằm ở nhà và ôm một mối nguy cơ rất nguy hiểm có thể xảy đến. Hơn nữa, với người già bị cao huyết áp…đau bụng còn có thể do khối phình động mạch chủ bụng doạ vỡ bởi vậy đến viện để thăm khám loại trừ là rất cần thiết.
- Viêm ruột thừa có nhiều thể rất khác lạ mà chúng ta cần lưu tâm đến những vấn đề sau:
-
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất khó phát hiện viêm ruột thừa và thường để muộn.. nên lưu ý khi trẻ quấy khóc, trớ, sốt cao, có thể rối loạn tiêu hoá thì cần nghĩ đến viêm ruột thừa để làm các thăm khám loại trừ sớm nhất có thể.
- Với người già cơ thể thường phản ứng rất mờ hồ khi bị viêm ruột thừa như sốt rất nhẹ hoặc hâm hấp sốt, đau âm ỉ không rõ ràng, người kêu mệt hơn thường ngày, tiêu chảy, ấn vùng hố chậu phải phản ứng đau nhiều khi cũng không rõ…cẩn thận vẫn nên cho đến viện thăm khám, siêu âm, xét nghiệm chẩn đoán loại trừ.
- Với phụ nữ có thai, đặc biệt 6 tháng đầu cũng hay bị “dính” viêm ruột thừa. Lúc này ruột thừa bị tử cung đầy cao lên đến giữa bụng hoặc thậm chí hạ sườn phải cơn đau không còn là ở hố chậu phải nữa và nhiều lúc chúng ta còn nhầm với ốm nghén. Viêm đường tiết niệu cũng rất hay gặp ở phụ nữ có thai cho nên anh chị cũng nên loại trừ nguyên nhân này khi xuất hiện cơn đau bụng đột ngột.
- Nhiều trường hợp ruột thừa không nằm vị trí bình thường mà lại quặt sau manh tràng lúc này cơn đau sẽ ở vùng trên mào chậu phải và bệnh nhân rất đau khi co duỗi chân phải.
- Ngoài việc thường nằm ở hố chậu phải và những thể trên, ruột thừa còn có thể phi xuống tiểu khung, phi lên vùng dưới gan, phi vào trong khối thoát vị…triệu chứng rất đa dạng và khó chẩn đoán.
- Thực sự thì chẩn đoán và cả phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi rất nhanh và đơn giản nếu phát hiện sớm. Vấn đề mấu chốt đó chính là mỗi chúng ta hãy luôn nghĩ đến nó khi ai đó xuất hiện cơn đau bụng (bất cứ vị trí nào trên bụng) cùng với sốt hoặc trẻ em có biểu hiện sốt cao và quấy khóc.
DỰ PHÒNG VIÊM RUỘT THỪA
Để dự phòng viêm ruột thừa, chúng ta cần lưu tâm mấy điều sau:
- Tăng cường sử dụng rau xanh-hoa quả-chất xơ và hạn chế sử dụng thịt đỏ.
- Vận động cơ thể thường xuyên, ưu tiên yoga – thiền – gập duỗi cơ bụng – lưng và uống nhiều nước, tránh nguy cơ táo bón.
- Tẩy giun sán 6 tháng/1 lần cho cả nhà.
- Luôn nghĩ đến viêm ruột thừa khi sốt-đau bất cứ vùng nào của bụng để tránh quá muộn.
Viêm ruột thừa có thể được hạn chế nếu kịp thời báo các triệu chứng cho bác sĩ. Ngoài ra, nên nghe theo hướng dẫn của bác sĩ về cách uống thuốc và chăm sóc vết thương sau khi mổ (nếu phải cắt bỏ ruột thừa). Nếu được hẹn tái khám, cần đi khám đúng lịch để bác sĩ theo dõi biến chứng.