Như anh chị đã biết, những phút cuối cùng hiệp thi đấu thứ nhất giữa đội tuyển Đan Mạch & Phần Lan trong khuôn khổ vòng Ck EURO2020 đang diễn ra, khi chuẩn bị nhận bóng từ đường ném biên, cầu thủ Eriksen đã đột ngột đổ gục xuống sân dù không va chạm với ai. Thực sự đây là một khoảnh khắc đáng sợ xảy đến trước hàng chục nghìn người hâm mộ có mặt trên sân và đang được truyền hình trực tiếp tới người hâm mộ trên khắp hành tinh.
Rất may là ngay sau đó, đội ngũ y tế đã có mặt kịp thời, sơ cứu, ép tim ngoài lồng ngực & sốc điện để cứu sống anh ngay trên sân cỏ. Hiện Eriksen đang được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện và sẽ tiến hành nhiều thằm dò để đánh giá thêm nguyên nhân sâu xa, khả năng hồi phục cũng như những di chứng thần kinh sau này.
Về góc cạnh sức khoẻ:
➢ Anh ấy đã bị gì?
➢ Tiên lượng sau khi đã trở về từ cõi chết ra sao? Liệu anh ấy có thể trở lại chơi bóng?
➢ Những ai dễ bị rơi vào tình huống này và làm thế nào để dự phòng nó?
➢ Và đặc biệt, chúng ta sẽ xử trí ra sao nếu chứng kiến tình huống ấy ngay trước mặt mình cũng như cần chuẩn bị những gì khi tổ chức những sự kiện hoạt động đông người?
Bài viết dưới đây, Bs xin được chia sẻ đôi điều, Anh Chị tham khảo nhé!
Eriksen đã đổ gục vì một cơn ngừng tim (Cardiac Arrest)
Đây là một trong những nguyên nhân gây đột tử hằng đầu tại Mỹ với hơn 356000 ca xảy ra bên ngoài bệnh viện tại Mỹ mỗi năm. Đây là tình trạng tối cấp cứu và chúng ta cần hồi sinh tim phổi (CPR-Cardiopulmonary resuscitation) ngay lập tức nhằm cố gắng bảo tồn chức năng não nguyên vẹn theo cách thủ công cho đến khi các biện pháp y tế tiếp theo xuất hiện (Máy khử nhịp tim). Thời gian vàng ngọc cho sơ cứu chỉ có 3 PHÚT, sau thời gian ấy tỷ lệ tử vong của bệnh nhân tăng lên theo từng giây.
Ngừng tim khác với đột quỵ
Ngừng tim khác với đột quỵ (Stroke-Tai biến mạch máu não) và ngừng tim (Cardiac Arrest) cũng khác với nhồi máu cơ tim (Heart Attack) mặc dù một cơn nhồi máu cơ tim có thể là nguyên nhân gây ra ngừng tim. Ngừng tim là tình trạng tim đột ngột ngừng đập dẫn đến mất chức năng do hệ thống điện của tim bị trục trặc => tim mất khả năng bơm máu đi nuôi não và cơ thể. Còn nhồi máu cơ tim là do tắc nghẽn hệ thống mạch vành lưu thông máu đến nuôi tim dẫn đến các tế bào cơ tim bị chết dần do thiếu máu nuôi, đây là vấn đề liên quan đến “lưu thông tuần hoàn”.
Ngừng tim đột ngột có thể xảy ra ở người không có tiền sử bệnh tim
Khi nào cần nghĩ đến ai đó đang bị ngừng tim?
Đột ngột đổ gục, mất ý thức, không bắt được mạch và ngừng thở là hình ảnh thường gặp nhất. Tuy vậy, đôi khi bệnh nhân cũng có các dấu hiệu gợi ý như cảm giác khó chịu ở ngực, khó thở, hồi hộp tim đập nhanh (đánh trống ngực).
Xử trí thế nào?
➢ Ngừng tim là tình trạng nguy hiểm TỐI CẤP CỨU đòi hỏi mọi người phải nhận ra kịp thời và triển khai hô hấp nhân tạo (CPR) cùng máy khử rung tim (Defibrillator) ngay khi có thể.
➢ Hồi sinh tim phổi (CPR) là một hoạt động sơ cứu kết hợp giữa ép tim ngoài lồng ngực thường xuyên với thông khí nhân tạo nhằm cố gắng bảo tồn chức năng não nguyên vẹn theo cách thủ công cho đến khi có sự hỗ trợ từ ekip cứu hộ y tế đến. Đây là “Kỹ năng sinh tồn” mà hầu hết chúng ta nên học cách thực hiện vì trong cuộc sống có rất nhiều tình huống xảy đến đòi hỏi chúng ta cần đến nó. Chi tiết anh chị có thể xem thêm video này nhé! https://youtu.be/XpEvQuOWME0
➢ Khi chứng kiến tình huống bất tỉnh ngừng tim => phản xạ để bệnh nhân nằm ngửa, hô hoán gọi người trợ giúp hoặc bấm cấp cứu 115 mang theo máy khử rung tim tự động (AED) đến ngay và song song tiến hành ép tim ngoài lồng ngực với tốc độ từ 100 đến 120 lần ấn mỗi phút và lực ép đủ mạnh (Độ lún thành ngực tầm 5cm, đừng sợ bệnh nhân gãy xương sườn, anh chị nhé vì nếu có gãy mà cứu sống được bệnh nhân cũng là tốt). Hãy duy trì ép tim liên tục cho đến khi có máy khử rung tim di động hoặc nhân viên cấp cứu đến.