Covid-19LƯU Ý TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TIÊM VẮC-XIN COVID-19

LƯU Ý TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TIÊM VẮC-XIN COVID-19
L

Thời gian vừa qua bác sĩ nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến nguy cơ dị ứng-sốc phản vệ khi tiêm vắc-xin Covid-19 thời gian này, để phần nào giúp mọi người hiểu và yên tâm, bác sĩ xin phép lược dịch những câu hỏi thường gặp nhất và nội dung giải đáp từ trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ. Anh chị tham khảo nhé!
(Lược dịch theo trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ)

GIẢI ĐÁP MỘT SỐ THẮC MẮC VỀ TIÊM VẮC-XIN COVID-19

1. Tôi nhiễm Covid-19 nay đã khỏi thì có nên tiêm vắc-xin nữa hay không?

Có, bạn vẫn nên được chủng ngừa bất kể bạn đã nhiễm Covid-19 hay chưa. Các chuyên gia vẫn chưa biết bạn được bảo vệ bao lâu để không bị ốm trở lại sau khi phục hồi từ Covid-19. Ngay cả khi đã phục hồi sau Covid-19 dù rất hiếm những vẫn có khả năng bạn có thể bị nhiễm lại vi-rút này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm chủng giúp tăng cường khả năng bảo vệ ở những người đã khỏi bệnh Covid-19.

2. Trẻ em có nên tiêm vắc-xin Covid-19 và nó an toàn hay không?

Các nghiên cứu cho thấy vắc-xin Covid-19 an toàn và hiệu quả với cả người lớn và trẻ em trên 12 tuổi. Giống như người lớn, trẻ em có thể bị một số tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin và những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của trẻ nhưng sẽ biến mất sau vài ngày. Trẻ em từ 12 tuổi trở lên đủ điều kiện để chủng ngừa Covid-19.

3. Tôi đang mang thai thì có thể tiêm vắc-xin Covid-19 được hay không?

Có, nếu bạn đang mang thai, bạn vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19. Bạn cũng có thể tham khảo thêm ý kiến từ các bác sĩ sản phụ khoa tuy nhiên các chuyên gia cho rằng điều này là không cần thiết.

4. Tiêm vắc-xin sẽ giúp tôi bảo vệ chống lại Covid-19 trong bao lâu?

Các nhà khoa học cũng chưa biết chính xác vắc-xin giúp chúng ta bảo vệ chống lại virus trong bao lâu. Các chuyên gia đang làm việc để tìm hiểu thêm về vấn đề này và sẽ thông báo cho công chúng khi có bằng chứng mới. Những gì chúng ta biết hiện nay đó là Covid-19 đã và đang gây ra tình trạng bệnh tật rất nghiêm trọng cũng như tỷ lệ tử vong cho rất nhiều người. Vì vây tiêm vắc-xin là một lựa chọn an toàn hơn cho tất cả.

5. Tôi có tiền sử dị ứng thì có nên tiêm vắc-xin Covid-19 hay không?

  • Phản ứng dị ứng được coi là nghiêm trọng khi một người cần được điều trị bằng epinephrine (Adrenaline) hoặc nếu người đó phải đến bệnh viện vì những biểu hiện bất thường về sức khoẻ (khò khè khó thở, rối loạn tim mạch…) sau khi tiêm và thường diễn ra trong vòng 4 tiếng sau khi tiêm.
  • CDC Mỹ khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng ngay cả khi họ có tiền sử bị các phản ứng dị ứng nghiêm trọng không liên quan đến vắc-xin hoặc thuốc tiêm chẳng hạn như dị ứng thức ăn, vật nuôi, nọc độc, môi trường hoặc cao su. Những người có tiền sử dị ứng với thuốc uống hoặc tiền sử gia đình có phản ứng dị ứng nghiêm trọng cũng có thể tiêm phòng. Theo các thống kê cho thấy tỷ lệ người bị dị ứng phản ứng nặng và sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin là vô cùng nhỏ (trên dưới 10 trường hợp/1 triệu mũi tiêm).
  • Nếu bạn bị dị ứng với Polyethylene Glycol-PEG (thành phần trong vắc-xin mRNA) => bạn không nên chủng ngừa mRNA COVID-19 như Pfizer, Moderna. Nếu bạn dị ứng mũi một với một trong hai loại vắc-xin trên, tư vấn bác sĩ để tiêm loại vắc-xin khác ở mũi 2.
  • Nếu bạn dị ứng với Polysorbate (là một thành phần trong vắc xin Johnson & Johnson/Janssen – J&J/Janssen) thì không nên tiêm vắc-xin J&J/Janssen mà nên chuyển qua loại vắc-xin khác.
  • Nếu bạn bị dị ứng với các loại vắc xin khác ở mũi tiêm đầu tiên, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên chủng ngừa Covid-19 hay không hay cân nhắc thay bằng loại vắc-xin khác.

⇨ Hiện nay một số nơi giới thiệu những bộ kit xét nghiệm cơ thể có bị dị ứng với một số dị nguyên như phấn hoa, lông thú nuôi, trứng, hạt bụi, kháng sinh…chúng ta cũng nên cân nhắc vì chưa có sự liên quan cụ thể đến thành phần của những vắc-xin trên.
Xem thêm: VẮC-XIN COVID CHO TRẺ EM: NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TA CẦN BIẾT

MỘT SỐ LƯU Ý TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TIÊM VẮC-XIN COVID-19

I. TRƯỚC KHI TIÊM VẮC-XIN COVID-19

  1. Việc chủ động tìm hiểu thêm về các loại vắc xin Covid-19 khác nhau và cách chúng hoạt động cũng như cách thức tiêm chủng đang được triển khai là điều mọi người nên làm. Những nguồn thông tin chính thống để tham khảo có thể kể đến:
  1. Chuẩn bị đồ trước khi đi tiêm.
  • Luôn có khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đi tiêm.
  • 1 lọ nước rửa tay sát khuẩn: thường xuyên sát khuẩn sau khi tiếp xúc các vật dụng như tay nắm cửa, bút, giấy tờ..
  • Mặc áo tay rộng hoặc ngắn tay và có thể gấp lại để nhân viên y tế dễ dàng tiếp cận với vị trí tiêm tại cánh tay.
  • Nhớ thông báo cho nhân viên y tế tại điểm tiêm biết tiền sử bệnh lý của mình (hen suyễn, dị ứng, tim mạch, rối loạn đông máu…) hoặc đang dùng bất cứ thuốc gì.
  • Bắt buộc phải huỷ cuộc hẹn tiêm nếu cơ thể có những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Covid như ho, sốt, đột ngột mất khả năng ngửi mùi…và liên hệ trung tâm y tế gần nhất để khám sàng lọc.
  • Tránh dùng steroid trước, trong và sau khi tiêm vắc-xin Covid-19: Các chuyên gia y tế khuyến cáo tránh dùng steroid một tuần trước khi tiêm chủng vì thuốc này ức chế mạnh quá trình viêm và có thể làm suy giảm miễn dịch của cơ thể, dẫn đến giảm phản ứng đáp ứng đối với tiêm vắc xin Covid-19. Các steroid có thể kể đến như prednisone, medrol và dexamethasone thường dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý tự miễn khác. Anh Chị cần thông báo về kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 tới bác sĩ điều trị bệnh của mình để bác sĩ có thể kê toa những thuốc có tác dụng tương tự nhưng không làm ức chế miễn dịch cơ thể.
  • Các chuyên gia cũng khuyên không nên dùng các thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hay non-steroide ngay trước khi tiêm vì chúng có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Ibuprofen là một loại thuốc chống viêm sẽ ngăn cản nỗ lực của vắc-xin trong việc “huấn luyện” hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với virus bằng cách làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể.
  • Bù đủ nước cho cơ thể trước, trong và sau tiêm là điều rất quan trọng vì nước không chỉ quan trọng đối với sức khỏe hằng ngày mà còn có thể hỗ trợ kiểm soát hoặc thậm chí ngăn ngừa sự khó chịu do tiêm vắc xin Covid-19 gây ra.
  • Không uống rượu bia trước và vào ngày tiêm chủng: Không chỉ có vậy, trong thời kỳ đại dịch các chuyên gia khuyến cáo tránh uống rượu bia để tối ưu hóa sức khỏe phòng chống nhiễm bệnh.

II. TẠI ĐIỂM TIÊM VẮC-XIN COVID-19

  • Luôn đeo khẩu trang và hạn chế chạm vào khẩu trang/sờ gãi vùng mặt.
  • Giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác
  • Hạn chế tối đa việc cầm nắm các đồ vật công cộng tại điểm tiêm và luôn sát khuẩn hoặc rửa tay sau khi chạm vào tay nắm cửa, bề mặt các dụng cụ hoặc đồ nội thất.
  • Tất cả vắc xin Covid-19 bất kể nhà sản xuất nào đều được sử dụng theo cùng một cách: Vắc xin sẽ được tiêm vào cơ bắp ở cánh tay của chúng ta. Quá trình này sẽ kéo dài không quá vài giây và có thể gây đau một chút xíu.
  • Nên quay mặt đi nơi khác khi tiêm để đỡ lo lắng và giúp giữ an toàn cho cả hai. Còn nếu anh chị cảm thấy hồi hộp hoặc lo lắng trước khi tiêm, hãy nghĩ rằng đây chỉ là một vết chích nhỏ có thể cứu sống cuộc đời mình đồng thời hít thật sâu và chậm lúc vào tiêm.
  • Nên tiêm vào cánh tay không thuận để phòng trường hợp chúng ta bị đau ở nơi tiêm và khó khăn khi cử động cánh tay, ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày.

III. SAU TIÊM VẮC-XIN COVID-19

  1. Sau tiêm một số người có thể gặp một số tác dụng phụ và đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang xây dựng hàng rào miễn dịch, chúng bao gồm:
  • Một số cơn đau, sưng và đỏ cánh tay vị trí nơi tiêm vắc-xin
  • Ớn lạnh hoặc sốt nhẹ
  • Mệt mỏi
  • Nhức đầu
  • Đau khớp hoặc đau cơ
  • Những tác dụng phụ này thường biến mất trong vòng vài ngày.
  1. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng rất hiếm và thường biểu hiện ngay trong vòng 30 phút sau khi tiêm vắc-xin. Nếu có => báo ngay cho bác sĩ tại nơi tiêm hoặc gọi cấp cứu. Những dấu hiệu nghiêm trọng bao gồm:
  • Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.
  • Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
  • Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
  • Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
  • Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.
  • Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
  • Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
  • Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt
  1. Một số lưu ý:
  • Mọi người hông nên lái xe ngay sau khi tiêm vắc xin để phòng những tình huống bất ngờ, ít nhất 1 tiếng sau tiêm hãy cầm vô lăng.
  • Không bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm.
  • Ghi nhớ tên, địa chỉ, số điện thoại của bác sĩ theo dõi và cơ sở y tế cần liên hệ trong trường hợp khẩn cấp, anh chị nhé!
  • Hầu hết các loại vắc xin Covid-19 cần 2 liều để phát huy tác dụng. Điều này có nghĩa là chúng ta cần được chủng ngừa hai lần với khoảng cách từ 4-12 tuần giữa liều đầu tiên và liều thứ hai.
  • Các tác dụng phụ ở lần tiêm thứ hai có thể dữ dội hơn những tác dụng phụ mà chúng ta gặp phải sau lần tiêm đầu tiên. Và đây là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang được bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch.
  1. Khi về nhà:
  • Một số người bị sốt, đau cơ và sưng, đỏ hoặc cảm giác ngứa ran tại chỗ tiêm trong 1-2 ngày => luôn đảm bảo uống nhiều nước và có thể dùng một ít Paracetamol, Ibuprofen, kháng histamine để giảm bớt những cảm giác này.
  • Chúng ta có thể giảm bớt cảm giác đau hoặc khó chịu ở cánh tay khi tiêm vắc-xin bằng cách đắp một chiếc khăn sạch, mát và ướt lên vùng đó.
  • Nên có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
  • Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu sốt dưới 38,5 độ C => Cởi bớt quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, sử dụng nhiều trái cây. Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên => Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế (Nên dùng paracetamol), lưu ý với người có bệnh lý gan như viêm gan, suy gan, xơ gan. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng sau dùng hạ sốt => cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Nếu các triệu chứng nghiêm trọng tăng lên hoặc kéo dài hơn một tuần => cần liên hệ bác sĩ, trung tâm y tế để được tư vấn thêm.
  • Sau tiêm 1 và cả 2 mũi vắc-xin đều cần duy trì các yêu cầu phòng dịch như tuân thủ 5K. Điều này là do vắc-xin đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của vi-rút ở người nhưng chúng ta vẫn chưa biết liệu chúng có ngăn chặn sự lây nhiễm từ người này qua người khác hay không.

Tóm lại, tỷ lệ gặp những phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 là vô cùng hiếm gặp và vắc-xin đang là con đường sáng nhất để cả Thế giới này sớm kiểm soát được tình hình.
Xin chúc anh chị sớm tiêm đủ 2 mũi vắc-xin an toàn.
Bác sĩ Khánh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Đừng bỏ lỡ

Bài viết mới

More article