Vừa rồi, bác sĩ phẫu thuật một bệnh nhân bị vi khuẩn Lao ăn lủng đốt sống và phải thay hai thân đốt sống ngực. Qua đây, bác sĩ cũng xin gửi gắm đến mọi người bài viết Câu chuyện bệnh lao – một câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Hiện nay rất nhiều người trong chúng ta nhiễm lao mà không hề hay biết, vì chúng đã ở thể bất hoạt khi chúng ta còn khoẻ. Tuy nhiên bất kỳ khi nào chúng ta ốm yếu, chúng sẽ “tỉnh giấc” và gây bệnh ngay. Cá nhân bác sĩ hay anh chị có thể bất cứ khi nào đó đều có thể dính lao, vì tỷ lệ người nhiễm lao thể tiềm ẩn trong cộng đồng không phải là ít. Nhiều người ngỡ ngàng khi bác sĩ chẩn đoán rằng anh chị bị Lao cột sống, Lao màng não, lao xương, lao màng bụng, lao khớp háng…
Vậy chúng ta cần làm gì để dự phòng không bị nhiễm lao?
Có 9 ĐIỀU bác sĩ rất mong muốn đươc gửi gắm!
Tiêm phòng đầy đủ vắc-xin
Mọi người lưu ý là dù đã tiêm đầy đủ vắc-xin BCG thì chúng ta cũng không đảm bảo được 100% là không nhiễm lao, anh chị nhé! Tuy nhiên những thể lao nặng hầu như không xuất hiện ở những người đã tiêm phòng lao đầy đủ.
Duy trì thể dục thể thao mỗi ngày
Những thói quen xấu như lười thể thao, thuốc lá, nghiện rượu, thức khuya, ăn uống thất thường, nhẹ cân hoặc béo phì… sẽ làm hệ thống miến dịch chúng ta suy giảm và đó là thời điểm tuyệt vời nhất để lao bùng nổ. Điều đó giải thích tại sao hầu hết người bị HIV có suy giảm miễn dịch đều mắc bệnh lao.
Luôn che miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi
Cho khăn giấy vào túi ni lông, sau đó vứt vào thùng rác. Rửa tay sau khi ho hoặc hắt hơi. Và tuyệt đối không ho khạc nhổ bữa bãi nơi công cộng (đây là thói quen rất nhiều người đang mắc phải và cũng là thói quen những người thầy thuốc thấy sợ nhất khi ra đường). Rất mong mọi người ý thức một chút vì chính mình, cho con cái chúng ta và cho cộng đồng. Rửa tay sạch sẽ sau khi ra nơi công cộng về hoặc sau khi tiếp xúc với nhiều người.
Môi trường thoáng đãng
Cơ quan, văn phòng nơi làm việc nên tạo không gian thoáng gió và giữ khoảng cách với nhau, vì bệnh lao lây qua đường hô hấp là con đường chính.
Xem thêm: 10 THÓI QUEN LÀNH MẠNH CHO SỨC KHỎE TỐT
Hạn chế đông người
Những ai bị bệnh mạn tính (tiểu đường, hen suyễn, suy thận…) hay dùng thuốc ức chế miễn dịch, đi ra ngoài cần hạn chế ra chỗ đông người và có xuất hiện, khẩu trang đầy đủ và hạn chế tiếp xúc tối đa có thể.
Chú ý đờm, sốt, mệt mỏi
Khi có những dấu hiệu như ho có đờm, sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân, mệt mỏi ra mồ hôi trộm…cẩn thận, có thể anh chị đang mắc bệnh lao, cần đi khám ngay.
Chú ý bất thường trên cơ thể
Những vị trí lao hay xuất hiện trong cơ thể chúng ta bao gồm lao phổi, lao cột sống, lao màng não, lao khớp hang, lao hạch, lao đường tiêu hoá… bất cứ có dấu hiệu bất thường nào trên 2 tuần (đau đầu, đau cột sống, đau háng, sưng hạch…), cần đi khám ngay.
Nếu đã chẩn đoán xác định bệnh lao, chúng ta cần tuân thủ điều trị một cách tuyệt đối để tránh bị lao kháng thuốc và thất bại trong điều trị.
Và điều cuối cùng bác sĩ mong anh chị SHARE giúp bác sĩ tới cộng đồng. Cùng nhau chung tay, hy vọng chúng ta sẽ góp phần đẩy lùi bệnh lao trong tương lai gần và hình ảnh này sẽ không còn lặp lại.
Trân trọng,
Bác sĩ Khánh.