ĐỊNH NGHĨA
Viêm cột sống dính khớp (VCSDK) là một bệnh thấp viêm đặc trưng bởi tổn thương khớp cùng chậu-cột sống, bệnh tiến triển chậm, xu hướng dính khớp, thường phối hợp viêm các điểm bám gân và liên quan chặt chẽ với nhóm kháng nguyên HLA-B27 (gặp trong 90% các trường hợp)
CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH
-
Lâm sàng: Đau cột sống lưng-thắt lưng kèm đau ở vùng khớp cùng chậu hai bên, đau kiểu viêm kèm cứng cột sống ở các mức độ, giảm độ cong ưỡn và nghiêng của cột sống. Thường kèm theo viêm các điểm bám tận của gân, viêm các khớp và viêm kết mạc mắt.
-
Xét nghiệm: kháng nguyên HLA-B27 (+) trong 90% các trường hợp.
-
Hình ảnh:
-
Viêm khớp cùng chậu: trên phim Xquang khung chậu, VCSDK chia làm 4 giai đoạn: giai đoạn 1: mất chất khoáng bờ khớp và rộng khe khớp cùng chậu. giai đoạn 2: bào mòn, hình ảnh tem thư ở rìa khớp. giai đoạn 3: đặc xương ở bờ khớp. giai đoạn 4: dính khớp cùng chậu hoàn toàn. Ở giai đoạn sớm, khi trên phim Xquang chưa nhìn thấy hình ảnh tổn thương, chúng ta có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính qua khớp cùng chậu có thể thấy hình ảnh bào mòn tại khớp cùng chậu.
-
Cột sống: ở giai đoạn muộn, trên phim Xquang cột sống có thể thấy hình ảnh tổn thương tạo cầu xương giữa các đốt sống (cột sống hình cây tre), canxi hóa đĩa đệm, tổn thương viêm khớp sườn đốt sống. Ngoài ra chúng ta thường thấy hình ảnh loãng xương kèm theo.
-
Khớp háng: hình ảnh viêm khớp háng hai bên ở các mức độ, giai đoạn muộn có hình ảnh dính khớp háng. Các tổn thương viêm khớp háng dễ dàng phát hiện trên siêu âm, đặc biệt hiện tượng tràn dịch khớp, dày màng hoạt dịch.
-
Tiêu chuẩn chẩn đoán New York sửa đổi 1984
-
Tiêu chuẩn lâm sàng:
-
Đau thắt lưng 3 tháng trở lên, cải thiện khi luyện tập, không giảm khi nghỉ.
-
Hạn chế vận động cột sống thăt lưng ở cả tư thế cúi-ngửa và nghiêng.
-
Giảm độ giãn lồng ngực (dưới hoặc bằng 2.5 cm)
-
Tiêu chuẩn Xquang:
-
Viêm khớp cùng chậu giai đoạn 2 trở lên ở cả hai khớp
-
Viêm khớp cùng chậu giai đoạn 3 trở lên ở một bên khớp
Chẩn đoán xác định khi có 1 tiêu chuẩn Xquang và ít nhất một tiêu chuẩn lâm sàng.
ĐIỀU TRỊ VÀ THEO DÕI
-
Nguyên tắc điều trị:
-
Mục đích: Chống viêm, chống đau. Phòng chống cứng các khớp. Khắc phục dính khớp trong thể nặng.
-
Nội dung điều trị: phối hợp nhiều phương pháp: nội khoa, vật lý trị liệu và ngoại khoa.
-
Phác đồ điều trị theo khuyến cáo của liên đoàn chống thấp khớp Châu Âu (EULAR: European Leage Against Rhumatism 2006)
-
Tư vấn bệnh nhân tuân thủ điều trị, luyện tập thường xuyên kết hợp vật lý trị liệu.
-
Điều trị thuốc chống viêm không steroid, kết hợp thuốc giảm đau và giãn cơ vân.
-
Thể ngoại biên phối hợp thêm Sulfasalazin, điều trị glucocorticoid tại chỗ.
-
Thể nặng (kháng thuốc chống viêm) cần chỉ định điều trị sinh học (thuốc kháng TNFα)
-
Giai đoạn có di chứng như gù cột sống quá mức, dính khớp háng ảnh hưởng đến chức năng vận động và cuộc sống, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật thay khớp háng, chỉnh gù cột sống.
-
Điều trị cụ thể
-
Điều trị triệu chứng: dùng thuốc chống viêm không steroid (celecoxib, etoricoxib, meloxicam, diclofenac), thuốc giãn cơ vân (eperisone, thiocolchicoside), tiêm tại chỗ glucocorticoid, tập vận động sớm, nằm giường cứng, không nằm võng. Vật lý trị liệu và phẫu thuật thay khớp háng, chỉnh gù cột sống khi có chỉ định.
-
Điều trị đặc hiệu: do các bác sĩ chuyên khoa chỉ định, điều trị và theo dõi. Chỉ định cho thể tổn thương khớp ngoại biên, thể bệnh tiến triển, thể nặng để hạn chế các tổn thương hủy hoại khớp, giảm nguy cơ tàn phế. Các thuốc thường dùng là sulfasalazine, methotrexate, các chất kháng yếu tố hoại tử u nhóm alpha (kháng TNFα). Trước khi chỉ định các thuốc sinh học, cần làm các xét nghiệm đánh giá và kiểm soát Lao, viêm gan, chức năng gan thận, đánh giá hoạt tính bệnh thông qua thang điểm BASDAI (Bath Ankylosing Spondylitis Disease Activity Index) và đánh giá mức độ tàn phế của bệnh thông qua thang điểm BASFI (Bath Ankylosing Spondylitis Functional Index).
-
Điều trị các bệnh kèm theo: Phòng và điều trị loãng xương, dự phòng viêm loét dạ dày, theo dõi và điều trị thiếu máu nếu có.
-
Theo dõi và tiên lượng: BN cần được điều trị tích cực và theo dõi định kỳ trong suốt quá trình điều trị, đánh giá mực độ cải thiện bệnh dựa vào thang điểm ASAS-IC (Assessment in Ankylosing Spondylitis Improvement Criteria). Tiên lượng nặng khi BN bị tổn thương viêm các khớp ngoại biên (khớp háng, khớp gối), BN trẻ tuổi, có các biểu hiện ngoài khớp, HLA-B27 (+), lạm dụng corticoid. Nếu không phát hiện, điều trị và theo dõi kịp thời, đúng phác đồ, BN dễ bị dính khớp tư thế xấu, nguy cơ tàn phế cao.
Nguồn:
-
Hội thấp khớp học Việt Nam “Phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp thường gặp”, NXB Giáo dục Việt Nam 2013.
-
Trường Đại học Y Hà Nôi “Bệnh học nội khoa”, NXB Y Học 2009.
-
Bộ Y Tế “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa”, NXB Y Học 2012.