Bài viết chuyên sâuLoãng xương: Chẩn đoán và điều trị

Loãng xương: Chẩn đoán và điều trị
L

LOÃNG XƯƠNG: CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

ĐỊNH NGHĨA

Loãng xương (Osteoporosis) là một rối loạn chuyển hóa bộ xương gây tổn thương sức mạnh của xương dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Sức mạnh của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương.

Khối lượng xương được biểu hiện bằng:

  • Mật độ khoáng chất của xương (Bone Mineral Density-BMD)

  • Khối lượng xương (Bone Mass Content-BMC)

Chất lượng xương phụ thuộc vào:

  • Thể tích xương

  • Vi cấu trúc của xương (chất nền và chất khoáng của xương)

  • Chu chuyển xương (tình hình tổn thương vi cấu trúc xương và tình hình sửa chữa cấu trúc của xương)

Hình ảnh xương bình thường (hình trái) và hình ảnh loãng xương (hình phải) ở thân đốt sống (Nguồn: EuroSpine.org)
Hình ảnh xương bình thường (hình trái) và hình ảnh loãng xương (hình phải) ở thân đốt sống (Nguồn: EuroSpine.org)

CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH

1. Triệu chứng lâm sàng:

Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng.

  • Đau nhức xương, đau lưng

  • Biến dạng cột sống: gù, vẹo, giảm chiều cao do thân đốt sống bị xẹp, gãy

  • Đau ngực, khó thở..do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống

  • Gãy xương: thường gặp đầu dưới xương quay, cổ xương đùi, gãy xẹp các thân đốt sống..và nguyên nhân gãy có thể chỉ là một chấn thương rất nhẹ hoặc không rõ tiền sử chấn thương.

2. Triệu chứng cận lâm sàng

  • Xquang quy ước: hình ảnh đốt sống tăng thấu quang, biến dạng thân đốt sống (lún, xẹp). Với các xương dài thường giảm độ dày thân xương (làm ống tủy rộng ra)

Hình ảnh loãng xương, thoái hóa các đốt sống và xẹp nhẹ thân đốt sống thắt lưng L1 trên phim Xquang (Nguồn: EuroSpine.org)
Hình ảnh loãng xương, thoái hóa các đốt sống và xẹp nhẹ thân đốt sống thắt lưng L1 trên phim Xquang (Nguồn: EuroSpine.org)
  • Đo mật độ xương (BMD) bằng phương pháp đo hấp thụ tia năng lượng, tia X kép (Dual Energy Xray Absorptiometry-DEXA) để chẩn đoán xác định loãng xương, đánh giá mức độ loãng xương, dự báo nguy cơ gãy xương và theo dõi điều trị.

  • Các phương pháp khác: chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp đánh giá thêm tình trạng loãng xương cột sống, cổ xương đùi.

  • Định lượng các marker (chất chỉ điểm) hủy xương, tạo xương: ít sử dụng để chẩn đoán xác định loãng xương

3. Chẩn đoán xác định

  • Có thể chẩn đoán xác định loãng xương khi đã có biến chứng gãy xương sau một chấn thương rất nhẹ ở bệnh nhân cao tuổi, tiền sử đau lưng và đau nhức dọc các xương (khi bệnh nhân chưa có điều kiện đo mật độ xương)

  • Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương của tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) năm 1994, đo mật độ xương tại cột sống thắt lưng và cổ xương đùi theo phương pháp DEXA:

  • Xương bình thường: T score từ -1 trở lên

  • Thiếu xương (Osteopenia): T score từ -1 đến -2.5

  • Loãng xương (Osteoporosis): T score dưới -2.5

  • Loãng xương nặng: T score dưới -2.5 kèm tiền sử /hiện tại có gãy xương.

4. Các yếu tố tiên lượng quan trọng cần lưu ý

  • Tuổi cao

  • BMD thấp

  • Tiền sử gãy xương (của cá nhân và gia đình)

  • Có nguy cơ té ngã (Parkinson, giảm thị lực..)

  • Hút thuốc lá, sử dụng thuốc (corticosteroid..)

5. Các mô hình tiên lượng dự báo nguy cơ gãy xương:

  • Mô hình FRAX của tổ chức Y tế Thế Giới (http://www.shef.ac.uk/FRAX/): mô hình sử dụng 12 yếu tố nguy cơ, người sử dụng chỉ việc nhập số liệu cá nhân, website sẽ cho kết quả tiên lượng xác suất gãy xương trong vòng 10 năm.

  • Mô hình NGUYEN của viện Garvan, Úc (www.FractureRiskCalculator.com): mô hình sử dụng 5 yếu tố nguy cơ để tiên lượng nguy cơ gãy xương và gãy cổ xương đùi trong vòng 5 năm và 10 năm.

ĐIỀU TRỊ VÀ THEO DÕI

1. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc

  • Chế độ ăn uống: bổ sung nguồn thức ăn giàu canxi sớm (chủ yếu từ sữa, thức ăn nhiều canxi như tôm, cua, hải sản..), tránh các yếu tố nguy cơ: thuốc lá, cà phê, rượu..

  • Cố gắng tránh thừa cân, thiếu cân

  • Chế độ sinh hoạt: tăng cường vận động, tăng dẻo dai cơ bắp.

  • Chú ý hạn chế tối đa nguy cơ ngã ở những người cao tuổi

2. Các thuốc điều trị loãng xương

  1. Thuốc bổ sung Canxi: canxi 500-1500mg/ngày. Vitamin D 800-1000 UI/ngày (hoặc Calcitriol ở những bệnh nhân cao tuổi, suy thận không chuyển hóa được vitamin D)

  2. Thuốc chống hủy xương: làm giảm hoạt tính tế bào hủy xương (osteoclasts)

  • Nhóm bisphosphonates: hiện nay là nhóm được lựa chọn đầu tiên trong điều trị các bệnh lý loãng xương: Alendronate + Cholecalciferol (Fosamax plus)/Alendronate (Fosamax) hoặc Zoledronic acid (Aclasta).

  • Calcitonine (cá hồi): chỉ định cho những bệnh nhân mới gãy xương kèm triệu chứng đau nhiều, sau khi bệnh nhân ổn định tiếp tục duy trì bằng bisphosphonate.

  • Liệu pháp sử dụng các chất giống hormone (Raloxifen-Evista): chỉ định với phụ nữ sau mãn kinh có loãng xương.

  1. Thuốc có tác dụng kép (Strontium ranelate): thuốc vừa có tác dụng tăng tạo xương vừa ức chế hủy xương, đang được coi là thuốc có tác động kép phù hợp với hoạt động sinh lý của xương.

  2. Các nhóm thuốc khác: vitamin K2, thuốc tăng quá trình đồng hóa Durabolin.

3. Điều trị triệu chứng

  • Đau cột sống, đau dọc các xương: chỉ định calcitonine kết hợp các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ vân.

  • Chèn ép rễ thần kinh liên sườn (đau ngực khó thở, chậm tiêu..): đai hỗ trợ cột sống thắt lưng, thuốc giảm đau thần kinh.

4. Điều trị ngoại khoa

  • Gãy cổ xương đùi: phẫu thuật bắt vít xốp trực tiếp, đinh Ender dưới màn tăng sáng hoặc thay khớp háng.

  • Xẹp thân đốt sống: tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng sinh học, phẫu thuật nẹp vít cột sống bằng vít loãng xương (vít nở).

5. Theo dõi điều trị

  • Bệnh nhân phải được điều trị lâu dài và theo dõi sát để đảm bảo sự tuân thủ điều trị

  • Đo khối lượng xương (phương pháp DEXA) 2 năm/lần để theo dõi kết quả điều trị.

  • Thời gian điều trị loãng xương thường kéo dài 3-5 năm, sau đó cần đánh giá lại hiệu quả điều trị và quyết định hướng điều trị tiếp theo.

Nguồn:

  1. Hội thấp khớp học Việt Nam “Phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp thường gặp”, NXB  Giáo dục Việt Nam 2013.
  2. Trường Đại học Y Hà Nôi “Bệnh học nội khoa”, NXB Y Học 2009.
  3. Bộ Y Tế “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa”, NXB Y Học 2012.

Đừng bỏ lỡ

Bài viết mới

More article