THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ: CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
ĐỊNH NGHĨA
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, tiến triển chậm, gặp ở người trung và lớn tuổi, thường liên quan đến tư thế vận động. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm ở cột sống cổ. Có thể gặp thoái hóa ở cả 7 đốt sống cổ nhưng đoạn đốt sống C5-C6-C7 là thường gặp nhất.
CHẨN ĐOÁN
1. Chẩn đoán xác định:
chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán xác định, chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tổn thương trên hình ảnh và sau khi đã chẩn đoán loại trừ các bệnh lý khác.
2. Triệu chứng lâm sàng: biểu hiện đa dạng, tùy mức độ thoái hóa cũng như các tổn thương kèm theo mà bệnh nhân có thể có biểu hiện đồng thời hoặc riêng lẻ một trong bốn hội chứng chính sau:
-
Hội chứng đau và hạn chế vận động cột sống cổ: phổ biến và xuất hiện sớm nhất. Đau và co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ cấp hoặc mạn tính, triệu chứng tăng lên khi duy trì kéo dài một tư thế cổ, khi mệt mỏi căng thẳng, khi thay đổi thời tiết hoặc nhiễm lạnh. Kèm theo bệnh nhận bị hạn chế nhiều các động tác vận động cột sống cổ như cúi, ngửa, xoay..
-
Hội chứng chèn ép rễ thần kinh cổ: Thường bệnh nhân đau từ cổ lan vai rồi xuống đến tay ở một hay hai tay kiểu “đường dây điện”, đau có thể lan lên vùng gáy-chẩm. Đau tăng khi nghiêng cổ, ho và gắng sức, ngồi lâu. Ngoài ra, còn có thể có các rối loạn như rối loạn cảm giác (kiến bò, tê rân đầu các ngón tay..), rối loạn phản xạ (tăng phản xạ hoặc giảm, mất phản xạ khuỷu, phản xạ cổ tay..), rối loạn vận động các mức độ (yếu tay, teo cơ)
-
Hội chứng động mạch đốt sống: nhức đầu vùng chẩm, thái dương và hai hốc mắt, thường vào buổi sang. Có khi kèm ù tai, hoa mắt, mờ mắt.
-
Hội chứng chèn ép tủy cổ: ở giai đoạn muộn của bệnh và thường do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống cổ nặng kèm theo. Biểu hiện bằng các rối loạn vận động (giảm cơ lực các nhóm cơ), rối loạn cơ tròn (rối loạn tiểu tiện, táo bón), rối loạn phản xạ (tăng phản xạ gân xương, dấu hiệu Hoffmann dương tính)
-
Các biểu hiện khác: dễ cáu gắt, giảm khả năng tập trung ghi nhớ, mất ngủ..
3. Chẩn đoán hình ảnh
-
Chụp Xquang cột sống cổ thường quy với các tư thế thẳng, nghiêng cúi-nghiêng ưỡn, chếch trái và phải. Trên phim Xquang có thể phát hiện các bất thường như mất đường công sinh lý cột sống cổ, gai xương thoái hóa ở các thân đốt sống, giảm chiều cao thân đốt sống và đĩa đệm, đặc xương dưới sụn, hẹp lỗ liên hợp, trượt mất vững các đốt sống, loãng xương..
-
Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner): giúp đánh giá tốt các tổn thương về xương, vôi hóa các dây chằng. Tuy nhiên các tổn thương về đĩa đệm (thoát vị, thoái hóa đĩa), tủy cổ (phù tủy, u tủy, dị dạng mạch tủy..) thì hầu như CT Scanner không đánh giá được.
-
Chụp cộng hưởng từ (MRI): đây là bước đột phá giúp khảo sát và đánh giá về cột sống một cách chi tiết và đầy đủ, ngoài ra chụp MRI cũng không có nguy cơ bệnh nhân bị nhiễm tia X. Trên MRI chúng ta có thể đánh giá chính xác tình trạng các đĩa đệm (thoái hóa, xẹp, phình hay thoát vị), tình trạng tủy cổ (phù tủy, thoái hóa, teo tủy, rỗng tủy, dị dạng mạch máu trong tủy, u tủy..), tình trạng phần mền cũng như hệ thống các dây chằng cột sống.
4. Chẩn đoán phân biệt
-
Chẩn đoán thoái hóa cột sống là chẩn đoán loại trừ, cần loại trừ tất cả các nguyên nhân khác trước khi đi đến chẩn đoán xác định.
-
Các tổn thương cột sống cổ gây tổn thương xương, đĩa đệm và tủy cổ
-
Các tổn thương u xương nguyên phát hoặc di căn đến cột sống cổ.
-
U tủy cổ
-
Dị dạng mạch máu tủy cổ
-
Bệnh lý bẩm sinh vùng cổ chẩm như hội chứng Arnol Chiarry
-
Bệnh lý của hệ thống mạch đốt sống thân nền.
-
Các tổn thương viêm vùng cổ (Lao cột sống cổ..)
ĐIỀU TRỊ
-
Nguyên tắc điều trị:
-
Cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị, trong đó điều trị nội khoa và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng.
-
Áp dụng các liệu pháp giảm đau theo mức độ nhẹ-vừa-nặng và không sử dụng dài ngày.
-
Cần tăng cường các nhóm thuốc điều trị bệnh nguyên (thuốc chống thoái hóa khớp, bổ sung canxi..)
-
Chế độ làm việc, sinh hoạt:
-
Nằm ngủ kê gối thấp, không hút thuốc lá, hạn chế rượu, tăng cường vận động thể dục thể thao, ngồi làm việc đúng tư thế.
-
Giữ ấm vùng cổ gáy, nhất là khi thời tiết thay đổi, thời tiết lạnh.
-
Tránh các tư thế thay đổi đột ngột vùng cổ, mang vác nặng, đeo túi xách nặng trên vai, đội vật nặng trên đầu..
-
Điều trị nội khoa
-
Acetaminophen (Paracetamol): đây là lựa chọn ưu tiên với sự cân bằng giữa tác dụng phụ và hiệu quả mang lại. Có thể dùng đơn chất hoặc phối hợp với các chất giảm đau trung ương như Cocain..
-
Nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid liều thấp: kinh điển như Diclofenac, Ibuprofen..hoặc nhóm ức chế chọn lọc COX-2 như Celecoxib, Etoricoxib. Cần thận trọng ở các bệnh nhân cao tuổi, có bện lý đường tiêu hóa, gan thận (viêm gan, suy thận..)
-
Glucosamine Sulfate kết hợp Chondroitin Sulfate: chống thoái hóa và giúp nuôi dưỡng sụn khớp (điều trị bệnh nguyên), có thể dùng lâu dài.
-
Tiêm Glucocorticoid cạnh cột sống vào khớp liên mấu, có hiệu quả từ vài tuần đến vài tháng. Không nên tiêm quá 3 lần trên cùng một vị trí trong vòng 1 năm và cần thực hiện ở cơ sở chuyên khoa, trong điều kiện vô khuẩn, dưới sự chỉ dẫn của Xquang và được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa.
-
Tramadol hoặc Opioids: có tác dụng tốt nhưng không dùng kéo dài và chỉ chỉ định khi các thuốc trên không còn tác dụng.
-
Thuốc giãn cơ vân như Mydocalm, Myonal..
-
Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng
-
Các bài tập vận động vùng cổ, đặc biệt với những bệnh nhân ngồi lâu một tư thế hoặc các công việc ít vận động vùng cổ.
-
Kéo giãn cột sống, mát xa vùng cổ, liệu pháp nhiệt..
-
Điều trị ngoại khoa chỉ định khi:
-
Bệnh nhân có biểu hiện chèn ép nhiều các rễ thần kinh hoặc tủy sống do thoát vị, do phì đại các diện khớp hoặc do vôi hóa các dây chằng.
-
Có các nguyên nhân khác kèm theo như u tủy cổ, dị dạng cổ chẩm, mất vững cột sống cổ..
Nguồn: Hội thấp khớp học Việt Nam “Phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp thường gặp”, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013.