Phẫu thuật cột sống ứng dụng công nghệ robot định vị chính xác: cộng nghệ tiệm cận mức tuyệt đối của sự chính xác và an toàn
Giới thiệu chung
Khái niệm robot hỗ trợ phẫu thuật được biết đến từ năm 1985 với Robot có tên PUMA560, được dùng để sinh thiết não. Các loại Robot phẫu thuật đã không ngừng được phát triển và cải tiến không mục đích gì khác ngoài nâng cao giá trị phục vụ và chăm sóc sức khỏe con người.
Tính đến nay, có 03 hệ thống Robot nổi bật đang được ứng dụng trong y học hiện đại: Robot phẫu thuật nội soi Davinci, Robot phẫu thuật cột sống Renaissance và Robot phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty.
Robot phẫu thuật cột sống được nghiên cứu và ứng dụng vào năm 2001 tại Israel, hiện nay trên toàn thế giới đã có hơn 60 trung tâm phẫu thuật cột sống ứng dụng công nghệ Robotic. Ở Đông Nam Á, Việt Nam là nước đầu tiên ứng dụng công nghệ này vào phẫu thuật cột sống tại khoa Phẫu thuật cột sống, Viện chấn thương chỉnh hình-BV Hữu Nghị Việt Đức.
Bản chất của phẫu thuật robot trong phẫu thuật cột sống chính là việc các bác sĩ sẽ nhập các thông số về cấu trúc giải phẫu của từng bệnh nhân cụ thể (các thông số này được chụp thông qua phim cắt lớp vi tính 64 dãy với kỹ thuật khảo sát rất chi tiết) vào máy vi tính, tiếp đó bác sĩ sử dụng công nghệ đồ hòa 3D lựa chọn giải pháp bắt vít, can thiệp tối ưu nhất cho từng đốt sống cụ thể của bệnh nhân và ghi nhớ cho máy tính, bước cuối cùng là trình diễn trên bệnh nhân (trong lúc phẫu thuật) các thông số bác sĩ đã ghi nhớ trên máy tính thông qua robot.
Với những ưu điểm nổi bật: độ chính xác rất cao, an toàn ít biến chứng, hạn chế tổn thương phần mềm.. Đến nay tại khoa Phẫu thuật cột sống-viện Chấn thương chỉnh hình đã ứng dụng công nghệ Robotic vào hỗ trợ phẫu thuật cho gần 100 các trường hợp gặp các vấn đề về cột sống và bước đầu cho kết quả rất khả quan.
Tên gọi hiện nay của công nghệ robot đang ứng dụng tại khoa phẫu thuật cột sống-BV HN Việt Đức là công nghệ robot định vị chính xác Renaissance.
Chỉ định phẫu thuật
- Vẹo và các trường hợp dị dạng bất thường cột sống (đây chính là chỉ định có giá trị ưu việt nhất vì ở bệnh nhân vẹo-dị dạng cột sống, các mốc giải phẫu hầu như không còn nữa)
- Các trường hợp bắt vít cuống sống (trong phẫu thuật chấn thương cột sống ngực, thắt lưng/ trong phẫu thuật TLIF, PLIF)
Sinh thiết (U thân đốt sống..) - Bơm xi măng tạo hình thân đốt sống
Chống chỉ định
- Các chống chỉ định chung của phẫu thuật (rối loạn đông máu, bệnh nội khoa nặng, nhiễm trùng vùng phẫu thuật..)
- Bệnh nhân không chụp được phim cắt lớp vi tính (CLVT-CTScanner) dựng hình cột sống theo kỹ thuật robot.
Các bước tiến hành
Lên kế hoạch trước mổ: Các bác sĩ sẽ hoàn thành bản kế hoạch mổ phù hợp nhất cho bệnh nhân dựa trên ảnh chup CLVT lấy từ chính bệnh nhân, việc lên kế hoạch đươc thực hiện trên phần mềm 3D từ trạm điều khiển của robot hoặc từ máy tính cá nhân của bác sĩ. Bản kế hoạch chi tiết về quy trình mổ sẽ được hoàn thành trước khi vào phòng mổ.
Gắn khung định vị (platform) lên xương sống của bệnh nhân: Khung định vị sẽ được gắn cố định cứng trên xương sống của bệnh nhân nhờ K-Wire, có 4 loại khung định vị (platform) để các bác sĩ lựa chọn (Clamp-mount, Bed-mount, Hover-T, Multi-directional Bed-Mount).
Đồng bộ hóa hình ảnh 3D: Chụp 01 ảnh X quang theo hướng vuông góc với xương sống bệnh nhân (trước-sau), chụp 01 ảnh X quang theo hướng xiên 60 độ, hệ thống sẽ tự động đồng bộ hóa 02 hình ảnh X quang vừa chụp với ảnh chụp CLVT của bệnh nhân.
Tiến hành phẫu thuật: Cánh tay robot sẽ tự động di chuyển trên platform và dẫn dụng cụ của bác sĩ đến vị trí chính xác để phẫu thuật.
Kết thúc ca mổ, tháo gỡ hệ thống Platform trên xương sống bệnh nhân.
Nguy cơ – biến chứng
Đầy đủ tất cả các biến chứng của phẫu thuật chung và của phẫu thuật cột sống nói riêng
Thời gian phẫu thuật còn kéo dài
Giá mỗi ca phẫu thuật còn cao (dao động từ 100 đến 200 triệu tùy từng ca phẫu thuật)
Khoa Phẫu thuật cột sống
Viện Chấn thương chỉnh hình
BV Hữu Nghị Việt Đức