Kiểm tra sức khỏe định kỳ giờ đã không còn là khái niệm xa lạ với đa số người dân, khi mà điều kiện kinh tế đã cải thiện cũng như ý thức bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của mọi người đã được nâng lên. Tuy nhiên, bản thân bác sĩ Khánh nhận ra rằng có rất nhiều người luôn rơi vào tình trạng phân vân không biết đi kiểm tra sức khỏe thì nên bắt đầu từ đâu, kiểm tra những gì, kiểm tra như thế đã đủ chưa và mức độ tin cậy của những kết quả đó như thế nào…
Với bài viết này, bác sĩ Khánh mong muốn gửi đến tất cả các bạn những thông tin cơ bản nhất về những xét nghiệm, những thăm dò hình ảnh và thăm dò chức năng cần thiết các bạn nên làm mỗi lần đi kiểm tra sức khỏe định ký các bạn nhé!
Điều đầu tiên khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ đó là các bạn cần tìm đến một bác sĩ ở các bệnh viện có uy tín để được thăm khám sàng lọc trước những vấn đề sức khỏe nổi bật của bạn, từ đó tập trung ưu tiên kiểm tra rất chuyên sâu, ví dụ bạn hay đau đầu thì cần ưu tiên chụp cộng hưởng từ sọ não-mạch não, làm điện não đồ, siêu âm hệ mạch máu nội sọ và ngoài sọ, khám các xoang và vùng hầu họng..rồi mới nghĩ đến đi làm thêm các xét nghiệm và thăm dò khác. Việc đánh giá tình trạng sức khỏe và tư vấn hướng đến các xét nghiệm thăm dò của bạn là do người bác sĩ trực tiếp thăm khám cho bạn chỉ định và tư vấn, vì vậy việc lựa chọn bác sĩ khám ban đầu cho các bạn là rất quan trọng nhằm tránh để sót các tổn thương bệnh lý trong cơ thể bạn cũng như hạn chế được việc bạn phải đi làm các xét nghiệm, các thăm dò không cần thiết, tốn tiền, mất thời gian và mang thêm sự khó chịu vào người.
Điều tiếp theo đó là trong trường hợp các bạn đi kiểm tra sức khỏe định kỳ (dù cơ thể các bạn cảm thấy gần như bình thường, không có triệu chứng lâm sàng gì nổi bật) thì bạn cần làm những xét nghiệm và thăm dò hình ảnh, thăm dò chức năng gì? Để trả lời câu hỏi này, bác sĩ Khánh mong muốn các bạn biết rằng trong y học, các thăm dò cận lâm sàng cơ bản được chia thành 3 nhóm: Thứ nhất đó là nhóm các xét nghiệm, bao gồm các xét nghiệm về máu (công thức máu, sinh hóa máu, nhóm máu, đông máu, miễn dịch, tủy huyết đồ, xét nghiệm các yếu tố gợi ý các loại u và các loại nấm-ký sinh trùng, định lượng các kháng nguyên-kháng thể..), xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm các loại dịch của cơ thể. Thứ hai đó là nhóm các thăm dò chẩn đoán hình ảnh như chụp phim X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính các mức độ, chụp cộng hưởng từ..Thứ ba đó là các thăm dò hình ảnh và chức năng như nội soi dạ dày-đại tràng, nội soi cây khí phế quản, điện chẩn thần kinh-cơ, điện não đồ, điện tâm đồ, sinh thiết các tổn thương, đo độ loãng xương, đo chức năng hô hấp, đo chức năng bàng quang, chụp mạch máu can thiệp..Ngoài ra hiện nay ở một số bệnh viện lớn ở nước ta đã có máy chụp PET-CT, đây là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh và thăm dò phát hiện rất tốt các tổn thương sớm trong cơ thể, tuy nhiên giá thành cho mỗi lần thăm khám còn khá đắt.
Bác sĩ liệt kê ra như vậy để các bạn biết được rằng có rất nhiều các phương tiện và máy móc hỗ trợ người bác sĩ phát hiện ra bệnh cho bệnh nhân, tuy nhiên người bác sĩ không thể lạm dụng chỉ định tất cả các phương tiện đó cho tất thảy các bệnh nhân mình khám khi chưa cần thiết. Người bác sĩ sau khi thăm khám cẩn thận cần biết lựa chọn “thông minh & giá trị” những phương tiện thăm dò khi đứng trước mỗi bệnh nhân cụ thể, với mục đích cuối cùng đó là tìm ra bệnh chính xác, tránh để sót các thương tổn kèm theo cũng như tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho bệnh nhân. Còn với các bạn, bác sĩ hy vọng các bạn thay đổi suy nghĩ rằng mình rất có điều kiện nhưng lại có rất ít thời gian, mình cứ lựa chọn vào các bệnh viện tư (rất đắt tiền cũng được) với một câu nói quen thuộc khi gặp nhân viên y tế ở đó là “Làm hết các xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe tổng thể cho mình nhé!”, theo cá nhân bác sĩ Khánh thì đó chưa phải là lựa chọn tốt nhất (dù các bạn có điều kiện kinh tế) vì 2 lý do: các bạn tốn một khoản tiền tương đối với những xét nghiệm và các thăm dò mà nhân viên y tế ở đó chỉ định, thứ hai là dù tốn tiền nhưng có thể bạn vẫn bị để sót những vấn đề sức khỏe của mình vì những thăm dò cần lạm bạn lại không làm, những xét nghiệm chưa cần thiết bạn lại đi làm, từ đó tạo cho các bạn cảm giác ảo (nhưng nguy hiểm) đó là nghĩ rằng cơ thể mình đang khỏe mạnh, dù bản chất mình đang có vấn đề về sức khỏe.
Quay lại với những bạn đi khám sức khỏe định ký dù cơ thể chưa có triệu chứng gì, theo bác sĩ Khánh các bạn tối thiểu nên thực hiện được các xét nghiệm, thăm dò sau:
Siêu âm ổ bụng tổng quát, siêu âm tuyến giáp, siêu âm tuyến vú (với các bạn nữ), siêu âm tuyến tiền liệt (với nam giới): rẻ tiền, nhanh, đơn giản, không độc hại, không xâm lấn cơ thể, phát hiện được rất nhiều các tổn thương trong cơ thể…là những ưu điểm của siêu âm. Siêu âm ổ bụng tổng quát giúp đánh giá tương đối về các cơ quan trong ổ bụng và tiết niệu như đánh giá gan, lách, hai thận, tuyến tiền liệt, tụy..Tuy nhiên các bạn cần lưu ý một điều đó là cần tìm hiểu để lựa chọn siêu âm ở các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm về siêu âm, vì kết quả siêu âm ít nhiều mang tính chủ quan của người thực hiện. Theo bác sĩ các bạn nên tạo thói quen đi siêu âm kiểm tra sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần, các bạn nữ cần nhớ siêu âm cả tuyến giáp và tuyến vú nhé, rất nhiều các bạn đã bị u vú, u giáp dù còn rất trẻ tuổi và các bạn đó hầu như cũng chưa có biểu hiện triệu chứng gì đặc biệt.
- Chụp phim X-quang phổi thằng và nghiêng: đây cũng là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh kinh điển, nhanh gọn, rẻ tiền, không xâm lấn cơ thể, cho biết rất nhiều thông tin về tình trạng tim, phổi, giúp phát hiện và gợi ý phát hiện các bệnh lý như lao phổi, viêm phổi, u phổi, kén khí bẩm sinh ở phổi, hen phế quản, cao huyết áp, các bệnh lý về xương ức, xương sườn, xương đòn và cột sống ngực..Tuy nhiên chụp X-quang chống chỉ định với các bạn đang có thai, hạn chế chụp với các bạn còn quá trẻ tuổi khi chưa cần thiết (dưới 25 tuổi). Với các bạn hút thuốc nhiều thì việc chụp phim Xquang kiểm tra tình trạng tim phổi định ký 6 tháng một lần là bắt buộc các bạn nhé!
- Nội soi dạ dày và đại tràng: khi các bạn bước vào tuổi trưởng thành thì quyết định soi dạ dày và đại tràng kiểm tra đường tiêu hóa của mình ít nhất một năm một lần là điều rất cần thiết, với các bạn có tiền sử bệnh lý về dạ dày-đại tràng hoặc trên 40 tuổi thì cần nội soi kiểm tra đường tiêu hóa với tần suất nhiều hơn nữa (6 tháng/1lần) hoặc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí tại một số bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực đều có dịch vụ soi dạ dày-đại tràng, tuy nhiên theo bác sĩ, việc soi kiểm tra và thực hiện một số thủ thuật trong lúc soi như cắt polyp, sinh thiết..đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm, vì nguy cơ làm thủng đường tiêu hóa, chảy máu sau sinh thiết, sinh thiết không đúng vị trí, để sót các tổn thương trên đường tiêu hóa luôn có nguy cơ xảy ra. Ngoài ra, hiện nay tại những trung tâm và bệnh viện lớn như BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV TW Quân đội 108, BV TW Huế, các BV lớn khu vực phía nam đều có dịch vụ soi kiểm tra đường tiêu hóa có gây mê hỗ trợ, theo ý kiến riêng của bác sĩ Khánh, nếu các bạn không quá già (dưới 75 tuổi), thể lực tốt, không có tiền sử bệnh lý hô hấp, dị ứng..thì lựa chọn nội soi có gây mê nên được ưu tiên.
- Xét nghiệm máu: cũng là một lần lấy máu, tuy nhiên xét nghiệm máu có rất nhiều mục xét nghiệm nhỏ trong đó như xét nghiệm sinh hóa máu, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm nhóm máu, xét nghiệm miễn dịch..Theo bác sĩ khánh, nếu chưa một lần xét nghiệm máu thì đầu tiền các bạn nên làm hầu hết các xét nghiệm liên quan đến máu, vì mỗi mục xét nghiệm có những giá trị riêng của nó. Xét nghiệm định nhóm máu để biết bản thân mình thuộc nhóm máu gì và các bạn luôn phải ghi nhớ nhóm máu của mình, điều này là rất cần thiết trong những trường hợp chẳng may các bạn gặp những vấn đề tối cấp cứu về sức khỏe cần phải truyền máu ngay. Xét nghiệm sinh hóa máu để giúp đánh giá chức năng gan (men gan, bilirubin, protein..), chức năng thận (ure, creatinin, điện giải..), tình trạng đường máu (Glucose máu, HbA1c), tình trạng mỡ máu (Triglycerit, choloesterol)… Xét nghiệm đông máu để biết được tình trạng đông máu của cơ thể và gián tiếp đánh giá chức năng gan của bản thân mình. Xét nghiệm miễn dịch giúp phát hiện và loại trừ các bệnh lý như Viêm gan các loại (Viêm gan A, B, C), virus HIV, gợi ý các tổn thương ung thư qua các chất chỉ điểm như PSA (ung thư tiền liệt tuyến), CEA+CA199+AFP (ung thư đường tiêu hóa và phổi), β HCG (ung tư tinh hoàn), VDRL (theo dõi đáp ứng điều trị bệnh Giang Mai) T3, T4 và TSH (tình trạng tuyến giáp), kháng thể kháng lao, đánh giá nồng độ các nội tiết tố giới tính. Xét nghiệm công thức máu giúp đánh giá liệu mình có thiếu máu hay không, thiếu máu thể gì, ngoài ra công thức máu cón giúp đánh giá tình trạng bạch cầu trong những trường hợp các bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng (số lượng bạch cầu sẽ tăng cao), đánh giá số lượng tiểu cầu (liên quan đến đông máu và các bệnh lý về máu khác). Trong các xét nghiệm trên, xét nghiệm nhóm máu và đông máu các bạn không nhất thiết định kỳ 6 tháng làm lại một lần vì nhóm máu của mình thì không thay đổi còn chỉ số đông máu cũng thường ổn định (trừ khi các bạn có bệnh lý về máu), xét nghiệm sinh hóa máu (kiểm tra đường máu, mỡ máu, chức năng gan thân) và các yếu tố gợi ý ung thư (Tumor marker) theo bác sĩ các bạn nên ưu tiên kiểm tra định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần.
- Điện tâm đồ: đây cũng là một thăm dò đơn giản và nhanh, giúp đánh giá tương đối về tình trạng tim của các bạn.
Những thăm dò chuyên sâu theo từng đối tượng có nguy cơ:
- Xét nghiệm nước tiểu: chỉ định với những bạn có triệu chứng nghi ngờ (như phù, tiểu máu, tiểu đục, tiểu buốt..) hoặc các bạn có các bệnh lý liên quan đến thận như viêm cầu thận, hội chứng thận hư, nhiễm liên cầu tan huyết, suy thận…
- Xét nghiệm chất dịch cơ thể (dịch não tủy, tinh dịch, dịch mủ): rất chuyên sâu, thường do bác sĩ khám và chỉ định.
- Siêu âm tim: chỉ định với các bạn có những triệu chứng gợi ý như khó thở, đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực, phù tay chân, hoặc trên kết quả điện tâm đồ gợi ý bệnh lý, hoặc bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám và cho chỉ định. Với các Ông, Bà trên 50 tuổi cũng nên lựa chọn cho mình ít nhất 1 năm 1 lần siêu âm tim để đánh giá tình trạng trái tim của mình.
- Chụp cắt lớp vi tính hệ mạch vành tim và xét chụp mạch can thiệp: đây là những can thiệp rất chuyên sâu và có nhiều giá trị với những đối tượng có nguy cơ như bệnh nhân trên 50 tuổi, thể trạng béo, tiền sử hút thuốc-uống rượu, có bệnh lý cao huyết áp-tiểu đường kèm theo, có triệu chứng gợi ý trên điện tâm đồ hoặc thỉnh thoáng có triệu chứng đau tức trước ngực, khó thở thoáng qua..Kết quả phim chụp giúp người thầy thuốc đánh giá chính xác được tình trạng hệ mạch vành nuôi tim của bệnh nhân, phát hiện các vị trí hẹp các nhánh mạch vành hoặc các tổn thương khác kèm theo. Khi có tổn thương hẹp các nhánh mạch vành, các bác sĩ có thể chỉ định chụp mạch máu can thiệp và xét đặt các hệ thống ống nong (đặt Stent mạch vành) để nong qua các vị trí chít hẹp nặng.
- Khám và chụp phim vú: với các bạn nữ tự sờ thấy có khối bất thường ở vú, núm vú sưng to, chảy dịch bất thường..thì nên đi khám sản phụ khoa ngay, xét chụp tuyến vú, chụp cộng hưởng từ tuyến vú và sinh thiết khi có khối u nghi ngờ.
- Đo mật độ xương: Với các bạn sau 30 tuổi, quá trình loãng xương đã bắt đầu thì bác sĩ cũng khuyên nên tạo thói quen đi kiểm tra độ loãng xương của mình ít nhất một năm một lần, đặc biệt là với các bạn nữ. Tại một số hiệu thuốc hoặc trung tâm y tế có phương pháp đo loãng xương bằng máy siêu âm qua xương gót chân, kết quả này không tin cậy các bạn nhé! Các bạn cần đo mật độ xương bằng phương pháp đo hấp thụ tia năng lượng, tia X kép (Dual Energy Xray Absorptiometry-DEXA) để chẩn đoán xác định loãng xương, đánh giá mức độ loãng xương, dự báo nguy cơ gãy xương và theo dõi điều trị.
- Xạ hình xương: đây là thăm dò giúp phát hiện các tổn thương tại hệ thống xương trong toàn cơ thể, có thể là các tổn thương u xương nguyên phát hoặc các loại ung thư khác di căn đến xương, tổn thương viêm xương. Thường do các bác sĩ chuyên khoa chỉ định khi nghi ngờ ung thư khác di căn xương.
- Chụp cắt lớp vi tính phổi, ổ bụng: Trong trường hợp trên siêu âm ổ bụng hoặc phim chụp Xquang phổi có tổn thương nghi ngờ có khối bất thường trong ổ bụng hoặc ở phổi thì chỉ định chụp cắt lớp vi tính (và có thể chỉ định chụp cả cộng hưởng từ) là bắt buộc, giúp đánh giá chính xác có u khối hay không, vị trí, kích thước, tính chất, mức độ xâm lấn và di căn..của khối u đó.
- Chụp cộng hưởng từ sọ não, cột sống, tiểu khung, hệ thống các dây chằng và khớp: Sự ra đời của cộng nghệ chụp phim cộng hưởng từ có thể coi là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Cho hình ảnh sắc nét và chi tiết với độ chính xác cao, thăm dò được hầu hết các cơ quan trong cơ thể, không gây độc hại..đó là những ưu việt của phim chụp cộng hưởng từ. Nghi ngờ các tổn thương ở sọ não mạch não, ở cột sống, ở gan mật, ở vú, ở tiểu khung và phần phụ, ở các khớp, ở các dây chằng và sụn, ở tổ chức cơ và mô mềm..thì chỉ định chụp phim cộng hưởng từ để chẩn đoán là một giải pháp tuyệt vời.
- Điện não đồ, siêu âm doppler xuyên sọ và ngoài sọ: chỉ định với những trường hợp đau đầu, co giật, động kinh hoặc có tiền sử động kinh, yếu nửa người, tê bì tứ chi, sa sút trí nhớ, mất ngủ lo âu.. Thông thường các thăm dò này phải phối hợp với chụp cộng hưởng từ sọ não-mạch não để đi đến chẩn đoán xác định bệnh.
- Điện chẩn thần kinh cơ: giúp đánh giá tổn thương các dây thần kinh ngoại vi ở tay và chân, phát hiện bệnh lý chèn ép dây thần kinh giữa gây tê bì bàn tay trong hội chứng ống cổ tay.
- Sinh thiết, làm giải phẫu bệnh: những tổn thương bất thường trên đường tiêu hóa, đường hô hấp, trong lòng bàng quang hoặc các khối bất thường nghi ngơ tổn thương ác tính đều nên chỉ định sinh thiết lấy mẫu làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định tính chất tổn thương. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định các loại u. Tuy nhiên những trường hợp u quá bé, vị trí nguy hiểm, nguy cơ chảy máu sau sinh thiết cao..thì chỉ định sinh thiết cũng nên cân nhắc.
- Chụp PET-CT: đây là thăm dò hình ảnh và chức năng hiện đại, rất giá trị giúp phát hiện sớm các tổn thương nghi ngờ trong cơ thể mình dù tổn thương đang rất bé, ngoài ra PET-CT còn giúp theo dõi sau điều trị các loại u rất tốt. Tuy nhiên giá thành cho mỗi lần thăm dò còn tương đối đăt tiền (25 đến 28 triệu cho mỗi lần chụp kiểm tra)
Trên đây là những thăm dò cơ bản hỗ trợ người thầy thuốc kiểm tra sức khỏe cho người bệnh, bác sĩ nêu ra với hy vọng để các bạn hiểu được phần nào những giá trị của mỗi xét nghiệm và phim chụp. Điều quan trọng nhất vẫn chính là ở bản thân các bạn: luôn có ý thức giữ gìn và bảo vệ sức khỏe của mình, tích cực vận động thể dục thể thao, chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, hạn chế uống rượu và hút thuốc, giữ cho tinh thần luôn lạc quan yêu đời, yêu thương mọi người và biết quý trọng cuộc sống này… đó chính là chìa khóa cho chúng ta có một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Bác sĩ Khánh xin kính chúc các bạn sức khỏe!
Xin bác sy cho biet chay mau o mui 2 Tuan ko ngot