Tỷ lệ người bị tiểu đường đang ngày càng tăng lên không chỉ ở các nước phát triển mà kể cả Việt Nam, trong đó thậm chí rất nhiều trong chúng ta còn không biết mình bị tiểu đường dù bệnh đã âm thầm xuất hiện suốt một thời gian, đó là điều hết sức nguy hiểm. Có điều nguy hiểm hơn nữa đó chính là việc chúng ta chưa biết hoặc chưa khảo sát-dự phòng được các biến chứng vô cùng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra, trong đó khoảng 70% các trường hợp tử vong ở người bị tiểu đường đến từ những biến chứng tim mạch.
Chúng ta có thể kiểm soát bệnh tiểu đường thông qua lượng đường máu, đường niệu và chỉ số HbA1C, tuy nhiên các biến chứng của nó thì âm thầm và cũng vô cùng nguy hiểm nếu chúng ta không biết để phát hiện và chữa trị sớm.
Những biến chứng nguy hiểm nhất ở người tiểu đường
Cao huyết áp
2/3 số người bị tiểu đường ở Mỹ cho biết họ bị cao huyết áp hoặc cần dùng thuốc mỗi ngày để kiểm soát huyết áp ở mức bình thường. Cao huyết áp chính là một trong những tổn thương hay gặp nhất ở người tiểu đường và trong y học gọi đây là cặp đôi…nguy hiểm (Dangerous couple). người tiểu đường cần đo huyết áp thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm.
Tai biến mạch máu não ( Đột quỵ)
Người tiểu đường có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn rất nhiều so với những người bình thường, thậm chí có những nghiên cứu cho thấy con số nguy cơ này cao gấp 1,5 lần.
Nhồi máu cơ tim
Đây là biến chứng hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân tiểu đường. Tình trạng đường máu cao gây tổn thương lớp nội mạc, kích thích hình thành những mãng xơ vữa trong lòng mạch, dẫn đến hẹp và tách mạch vành, gây nhồi máu cơ tim.
Tổn thương thận mạn tính
Thận có hàng triệu mao mạch nhỏ giúp lọc thải các chất trong cơ thể. Ở người bị tiểu đường, hệ thống mao mạch này bị tổn thương nên thận mất dần các chức năng và cuối cùng dẫn đến suy thận, cơ thể cần lọc máu định kỳ hoặc thay thận. Những người bị tiểu đường cần đi khám chuyên khoa thận-tiết niệu định kì vì khi bệnh thận được chẩn đoán sớm ( giai đoạn microalbumin niệu) quá trình chữa trị, dự phòng sẽ phát huy hiệu quả rất tốt.
Ketoacidosis tiểu đường (DKA)
Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm có thể làm bệnh nhân tiểu đường bị hôn mê thậm chí tử vong do cơ thể tích tụ quá nhiều xeton (ketone) gây toan máu, độc cho cơ thể do khi các tế bào không nhận được lượng glucose cần thiết để tạo năng lượng, dẫn đến cơ thể bắt đầu đốt cháy chất béo để lấy năng lượng và tạo ra rất nhiều xeton tăng acid máu.
Bệnh lý thần kinh (Neuropathy)
Tổn thương dây thần kinh do tiểu đường được gọi là bệnh lý thần kinh do tiểu đường (new-ROP-uh- thee), chúng có thể là hệ thống thần kinh ngoại biên (Peripheral), thần kinh thực vật (Autonomic) hay các bệnh lý thần kinh khác (Additional Types). Khoảng một nửa số người mắc bệnh tiểu đường bị tổn thương dây thần kinh ở các mức độ khác nhau, đặc biệt là ở những người bị tiểu đường lâu năm. Việc kiểm soát đường máu ổn định ở mức bình thường chính là một trong những mấu chốt để ngăn ngừa và hạn chế sự tiến triển của bệnh lý thần kinh này.
Tổn thương mắt
Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị tổn thương ở mắt và thậm chí cả nguy cơ mù lòa cao hơn những người không mắc bệnh tiểu đường. Hãy lên lịch khám chuyên khoa mắt định kỳ để kịp thời phát hiện và chữa trị những tổn thương ở mắt ngay từ khi chúng mới bắt đầu.
Tổn thương ở da
Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả da. Và đôi khi tổn thương da là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo một người mắc bệnh tiểu đường. Những tổn thương ở da bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn-nấm, ngứa da, bệnh hoại tử lipoidica diabeticorum (NLD), mụn nước tiểu đường, Digital Sclerosis, u hạt hoại tử lan toả, và bệnh Eruptive xanthomatosis..
Tổn thương ở chân
Người bị tiểu đường có thể phát sinh nhiều vấn đề về chân khác nhau, nhất là khi có tổn thương dây thần kinh (Neuropathy). Biểu hiện có thể là cảm giác ngứa ran, đau (bỏng hoặc châm chích) hoặc yếu ở bàn chân. Một số bệnh nhân còn bị mất cảm giác bàn chân nên khi chân bị rách da chảy máu, bị bỏng, xây xước mà không biết, dẫn đến hiện tượng nhiễm trùng, tháo ngón.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng
Người bị tiểu đường rất dễ bị nhiễm trùng do cơ thể có hệ miễn dịch bị suy giảm kèm theo lượng đường máu cao cũng là môi trường rất thuận lợi để vi khuẩn-vi rút và nấm sinh sôi phát triển. Những tổn thương nhiễm trùng thường gặp ở người tiểu đường đó là nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi, nhiễm trùng răng miệng, nhiễm trùng da, nhiễm trùng vết mổ…Khi có những vết xây xước hay đi mổ xẻ, người bị tiểu đường cần đặc biệt lưu tâm.
Giải pháp dự phòng biến chứng ở người tiểu đường:
- Kiểm soát cân nặng
- Kiểm soát huyết áp
- Kiểm soát mỡ máu
- Duy trì thể dục thể thao mỗi ngày
- Duy trì thói quen sống lành mạnh (Ngủ sớm, dậy sớm, tránh chất kích thích…)
- Duy trì dinh dưỡng lành mạnh (Tăng rau quả cá tươi thịt trắng, hạn chế thịt đỏ, hạn chế xào rán quay nướng và đồ đóng hộp…)
- Duy trì thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đặc biệt là khám tim mạch (khảo sát hệ mạch vành, hệ mạch não), khám thận tiết niệu, khám chuyên khoa mắt và da liễu.
- Bỏ rượu
- Bỏ thuốc lá
- Khi có dấu hiệu nhiễm trùng-viêm nhiễm cần điều trị ngay.
Hãy luôn duy trì một chế độ ăn uống hợp lý, dinh dưỡng và khoa học. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra và đảm bảo mọi thứ được tầm soát hiệu quả.