Thời gian này bác sĩ ở nhà giãn cách và dưỡng thương sau phẫu thuật nên tần suất ăn mì gói buổi sáng cao hơn bình thường. Và gần đây câu chuyện triệu hồi mì ăn liền ở Châu Âu làm bác sĩ cũng quan tâm, tìm hiểu vì liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của cộng đồng và cả chính mình. Về vấn đề này, cá nhân bác sĩ có đôi điều xin chia sẻ.
Ethylen Oxide là gì?
Ethylen Oxide (EO) còn gọi là oxiran, là một hợp chất hữu cơ dạng khí, không màu, dễ cháy, có mùi hơi ngọt và được sản xuất với quy mô lớn để ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Trong lĩnh vực thực phẩm, Ethylen Oxide được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật với những sản phẩm nông sản khô, gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu, quế, các loại hạt… Trong y tế, người ta sử dụng khí Ethylene Oxide để tiệt trùng các vật tư dụng cụ y tế, vật phẩm chăm sóc sức khỏe, thiết bị sản xuất dược phẩm và thú y.
Hiện nay chỉ có châu Âu và Úc không cho phép sử dụng EO để phun diệt khuẩn trong thực phẩm còn các quốc gia còn lại vẫn cho phép dùng EO để diệt khuẩn trong gia vị, nông sản. Tại Việt Nam chưa có quy định về việc sử dụng EO trong thực phẩm và nông nghiệp, chỉ có quy định sử dụng đối với lĩnh vực y tế.
Tác hại của Ethylen Oxide đến sức khỏe con người như thế nào?
Với Ethylen Oxide, con người khi tiếp xúc nhiều có thể gây nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy và có thể ảnh hưởng đến sinh sản. Tuy vậy như ông tổ về độc chất Paracelsus người Đức đã từng nói “Liều lượng mới gây ra ngộ độc”, nghĩa là việc chúng ta có bị ảnh hưởng tới sức khoẻ hay không với bất cứ chất gì đều phụ thuộc mức độ phơi nhiễm, liều lượng và thời gian tiếp xúc. Trên thực tế, đối với EO cũng như vậy, việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trong đó có ung thư, thì khoa học chỉ mới ghi nhận qua đường tiếp xúc hoặc phơi nhiễm. Tuy nhiên, điều này còn phải phụ thuộc vào nồng độ phơi nhiễm và thời gian phơi nhiễm. Ở đây khái niệm phơi nhiễm được hiểu là sự tiếp xúc niêm mạc hay da không nguyên vẹn với tác nhân gây bệnh. Hiện nay việc ghi nhận khả năng EO gây ung thư qua đường ăn uống chưa rõ ràng và chưa có nghiên cứu khẳng định ở người.
Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm, nhiều quốc gia cũng chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp, thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Chỉ một số ít quốc gia đã đưa ra quy định về ngưỡng EO trong thực phẩm nhưng có sự chênh lệch rất lớn ở các quốc gia khác nhau.
Riêng với Châu Âu, mặc dù đã không cho phép sử dụng EO trong nông nghiệp và quá trình sản xuất thực phẩm nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng EO trong thực phẩm ngay cả khi các sản phẩm này được sản xuất tại những nước trong khối EU.
Vì sao lại như vậy?
Vì thực tế là không có cách nào loại bỏ hoàn toàn EO trong thực phẩm cả. Vì vậy Châu Âu cho phép giới hạn EO trong gia vị, trà, ca cao là 0,1 mg/kg, các loại hạt có dầu ở mức 0,05 mg/kg, các thực phẩm tiêu thụ nhiều hơn như trái cây, mứt, rau, ngũ cốc ở mức 0,02 mg/kg. Tuy nhiên cũng cần phải nói rõ là châu Âu đưa ra quy định đối với EO tổng là bao gồm EO và 2-CE. Trong đó, 2-CE là chất chuyển hóa của EO khi tiếp xúc với thực phẩm, nhưng 2-CE không được liệt kê trong nhóm chất gây ung thư. Khác với châu Âu, các quốc gia khác như Mỹ, Canada, lại quy định về hàm lượng giới hạn riêng cho 2-CE và EO.
Góc nhìn của bác sĩ
Qua các thông tin này, không phải là chúng ta sợ hãi và làm bằng mọi cách để không tiếp xúc với EO. Như đã nhắc ở trên, EO có tính chất khử khuẩn nên được ứng dụng để khử trùng các thiết bị y tế. Nhất là trong giai đoạn này, việc khử khuẩn được thực hiện thường xuyên, liên tục… Quan trọng là liều lượng, điều kiện và thời gian tiếp xúc. bác sĩ cho rằng chúng ta nên bình tĩnh và suy xét thấu đáo khi tiếp nhận mọi nguồn thông tin để nắm bắt bản chất vấn đề cũng như luôn giữ được tinh thần tích cực trong những ngày này.
Với cá nhân bác sĩ, tuỳ vào mức độ bận rộn của công việc nhưng mỗi tuần ít nhất cũng sử dụng một vài gói mì ăn liền, những ngày giãn cách này thì có tăng hơn chút xíu. Lưu ý là khi sử dụng mì ăn liền, anh chị nên thêm ít rau xanh, vài quả trứng và ít trái cây tráng miệng nữa (nếu được) để đảm bảo cân bằng 4 thành phần dinh dưỡng. Với lại gói gia vị hơi mặn, mà ăn mặn không tốt, mọi người chỉ nên dùng 1/3-1/2 gói gia vị đó thì tốt hơn.
Xem thêm: Mì ăn liền tốt hay không tốt?
Lời kết
Với mỗi chúng ta, việc quan tâm tới sự lành mạnh trong thực phẩm là điều hết sức quan trọng, nhất là về mì ăn liền, thực phẩm gắn bó với người dân Việt Nam ta. Tuy vậy đứng trước một thông tin mới, theo cá nhân bác sĩ thì mọi người vẫn nên bình tĩnh tìm hiểu kỹ và chờ thêm những kết luận từ cơ quan chức năng trước khi đưa ra những lựa chọn cuối cùng cho chính mình.
Kính chúc Anh Chị một tuần mới tốt lành!
Trân trọng!
Bác sĩ Khánh.