Hôm nay đi làm ở viện, có những chuyện làm bác sĩ suy nghĩ quá! Ngồi viết đôi dòng “tâm sự” cùng anh chị về nghề Y, ít nhất để bác sĩ cũng thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn…
Có bệnh nhân quen bác sĩ, đi khám bệnh viện lớn ở Hà Nội trước khi qua gặp bác sĩ để khám về cột sống, được bác sĩ ở đó kê đơn thuốc, lúc qua gặp bác sĩ Khánh, bệnh nhân có đưa đơn thuốc ở viện kia kê ra và hỏi rất nhiều từ tác dụng đến tác dụng phụ, nếu uống có vấn đề gì thì xử lý thế nào.v.v. Bác sĩ Khánh có bảo sao lúc nhận đơn chị không hỏi bác sĩ kê đơn cho chị và xin số để tiện liên lạc nếu có gì đó bất thường. Chị bảo chị đã xin nhưng bác sĩ trả lời “Từ khi hành nghề Y đến giờ, tôi chưa cho bất kỳ bệnh nhân nào số điện thoại của tôi”.
Biết nói gì bây giờ, anh chị? Mỗi người một quan điểm, một cách nhìn, và có cả những lý do riêng. Nhưng với bác sĩ, bác sĩ luôn cố gắng để lại một hoặc nhiều đầu mối (số điện thoại, email, website, địa chỉ, hoặc thậm chí cả facebook…) giúp bệnh nhân có thể liên lạc được, vì sao lại như vậy?
Bác sĩ kể cho anh chị những câu chuyện này: Một lần bác sĩ đang khám bệnh, gần đến giờ trưa, 1 bệnh nhân từ Sơn La với vẻ lo lắng và cả mệt mỏi bước vào và hỏi bác sĩ là về uống đơn thuốc bệnh viện kê tôi đi ngoài ra máu, khi tìm hiểu lại đơn thuốc bác sĩ biết trong đó có loại thuốc khi uống vào, khoảng 30% bệnh nhân có nước tiểu màu đỏ do thành phần thuốc thải ra. Bệnh nhân đánh đường đi hơn 300km đường núi rừng về Hà Nội chỉ vì lý do đó anh chị ạ. Và kể từ đó, hầu hết bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ở xa đến khám, bác sĩ đều chủ động cho số điện thoại kèm theo lời dặn, có gì bất thường thì alo báo bác sĩ, nếu không được thì nhắn tin, bác sĩ sẽ hồi âm và chỉ khi bác sĩ tư vấn cần xuống thì mới xuống, nếu không có thể theo dõi thêm hoặc vào viện địa phương để kiểm tra lại.
Một lần khác, có bệnh nhân đau nhức xương khớp rất nhiều vào khám, sàng lọc xét nghiệm chụp chiếu chưa tìm ra nguyên nhân, bác sĩ có chuyển đi khám ở các bệnh viện khác & dặn bệnh nhân hồi âm báo lại, kết quả bệnh nhân bị một loài sán có thời kỳ ấu trùng sán chu chuyển trong cơ gây đau nhức, nếu không giữ liên lạc với bệnh nhân, những kiến thức thực tiễn này làm sao ta có được, phải ko anh chị?
Trong suốt quá trình thăm khám, điều trị và mổ xẻ, có nhiều bệnh nhân đã hồi âm & mang đến cho bác sĩ rất nhiều những kiến thức có giá trị: có bệnh nhân bị ám ảnh với máy chụp cộng hưởng từ và mất ngủ đến vài năm kể từ sau lần chụp cộng hưởng từ, có bệnh nhân dùng thuốc không đỡ lại còn bị sốc nặng với thuốc Nexium (một loại thuốc tương đối phổ biến hiện nay), có bệnh nhân mệt mỏi chán ăn suốt một thời gian dài, dùng nhiều thuốc không đỡ, bác sĩ kê thuốc tẩy giun và mọi việc thấy êm đẹp hơn, có bệnh nhân hóc xương cá vào đường thở, ho kinh niên cả mấy năm trời, đi không biết bao bệnh viện với nội soi khí phế quản, cắt lớp và cả điều trị theo hướng Hẹn phế quản cũng chẳng đỡ, rồi một ngày bệnh nhân ho ra miếng xương cá tầm 2cm, kể từ đó sức khoẻ bệnh nhân trở lại bình thường…
Nếu bác sĩ không giữ liên lạc & quan tâm đến bệnh nhân, làm sao bác sĩ có được những kinh nghiệm & kiến thức đó, phải ko anh chị? Kiến thức là biển cả mệnh mông, trong khi những gì ta biết và thu nhận được chỉ là những hạt cát bé nhỏ, thêm nữa, mỗi bệnh nhân lại mang trong mình một bệnh cảnh khác nhau, đáp ứng với điều trị khác nhau… Nếu không giữ liên lạc, không hội chẩn các chuyên khoa khác nhau, không quan tâm & đặc biệt là cho bệnh nhân có cơ hội “bộc bạch hồi âm” thì làm sao ta biết được liệu ta chẩn đoán đã đúng chưa, điều trị thế nào, có tương tác thuốc hay tác dụng phụ gì không…Có phải chăng ta đang khám bệnh, chẩn đoán và điều trị một chiều mà không hề biết liệu bệnh nhân ra về kết quả sẽ thế nào khi mà chúng ta không cho bệnh nhân cơ hội được tương tác, hồi âm và trao đổi?
Bệnh nhân vào phòng mổ, 4-5 người nhà đưa tiễn đến cửa phòng mổ với tất thảy các khuôn mặt đều lo lắng và hy vọng, mong chờ. Bệnh nhân được đẩy vào khu cách ly, cửa phòng mổ đóng lại, người nhà “mất liên lạc” từ đó. Bác sĩ mổ xong, hoặc sẽ tiếp tục mổ ca khác, hoặc sẽ về theo một lối riêng mà người nhà sẽ hầu như rất ít cơ hội gặp được để hỏi han tình hình của ca mổ, của bệnh nhân. May mắn với những ca mổ nhẹ thì sau một vài tiếng bệnh nhân được chuyển về khoa phòng, nếu những ca mổ nặng, phải truyền máu, theo dõi, hồi sức…bệnh nhân có thể nằm phòng cách ly vài ba ngày hoặc lâu hơn… Và cũng chừng ấy thời gian người nhà sống trong lo âu thấp thỏm, chẳng biết hỏi ai để biết tình trạng bệnh nhân thế nào, ca mổ ra sao, gia đình có cần hỗ trợ gì thêm hay không…Sao bác sĩ phẫu thuật không gặp gỡ hoặc ít nhất cũng điện thoại, nhắn tin báo cho người nhà một câu, dù chỉ một câu thôi, sơ qua về ca mổ và dự kiến liệu trình điều trị tiếp theo, để người nhà hình dùng được tình trạng và trù liệu, thu xếp mọi việc.
Người nhà bệnh nhân mang đến một tấm phim chụp, bác sĩ giơ lên xem chưa đầy 1 phút rồi kết luận: Bệnh nhân phải mổ nhé! Tiếp theo đó, người bác sĩ có thể là làm hồ sơ, chỉ định xét ngiệm này nọ hoặc chuyển sang khám cho bệnh nhân khác hoặc bảo người nhà về chuẩn bị tinh thần, thủ tục để đi mổ rồi bác sĩ….“biến mất” rất nhanh. Người nhà bệnh nhân ngơ ngác, cũng chưa kịp hỏi lại một câu (dù trong đầu có thể có đến không dưới cả chục câu hỏi). Thời gian để bác sĩ giải thích cho bệnh nhân hay người nhà tình trạng bệnh, nguy cơ của mổ xẻ, thời kỳ hậu phẫu, khả năng bình phục, kinh phí…hầu như là rất ít hoặc thậm chí là không có, chưa nói đến việc người bác sĩ hầu như không “cảm nhận” được nỗi lo, mong muốn, nguyện cầu của bệnh nhân và gia đình, câu chuyện ở đây sẽ là câu chuyện một chiều và không hồi âm, hỏi đáp.
Bác sĩ bận, có thể đó là lý do cơ bản nhất giải thích cho điều này.
Sao không thể có vài phút gặp bệnh nhân một chút, xem cơ thể thần thái người ta ra sao, sao không gặp & nở một nụ cười thay cho ngàn lời động viên để bệnh nhân thấy an tâm, thấy có chỗ dựa, sao không gặp bệnh nhân dù chỉ 30 giây để trao cho bệnh nhân một nắm tay thật chặt, sao không hỏi thăm bệnh nhân một câu trước khi gây mê để nhịp tim bệnh nhân được dịu lại, sao không nán lại vài phút để biết rằng bệnh nhân đang ở tận đáy của nỗi buồn và bất hạnh khi mình phải mổ mà chồng cũng đang bị ung thư hoặc đứa con thơ vừa mới mất…
Mỗi ngành nghề có những đặc thù riêng, nhưng có lẽ với nghề Y, sự thấu cảm & sẻ chia mới là liều thuốc điều trị hữu hiệu nhất, giúp bệnh nhân có niềm tin & chỗ dựa để vượt qua được cơn bạo bệnh, phải không anh chị?
Hà Nội, một ngày nắng phai.