Vào những ngày mùa đông, số lượng bệnh cúm ở trẻ em tăng cao, đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ cũng như tính mạng của các cháu.
THÔNG TIN CHUNG VỀ BỆNH CÚM Ở TRẺ EM
Bạn biết gì về bệnh cúm ở trẻ em?
Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp do virus cúm (Influeza Virus) gây ra. Vỏ virus có hai chất kháng nguyên quan trọng tạo thành có ký hiệu là H và N, có 15 loại chất H (H1-H15) và 9 loại chất N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân týp khác nhau của vi rút cúm như H5N1, H1N1…
Đây là một trong những căn bệnh lấy đi mạng người hàng loạt, hằng năm có khoảng 250.000 đến 500.000 người chết do cúm, đặc biệt ở trẻ em dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi và những người có bệnh mãn tính kèm theo. Riêng nước Mỹ mỗi mùa cúm đến (Tháng 9 đến tháng 4), có khoảng 36.000 người tử vong và khoảng 200.000 người nhập viện.
Cảm khác cúm ở chỗ cảm do hơn 200 loại virus thông thường gây ra nhưng không phải là virus cúm, và hơn 40% các trường hợp cảm là do các loại virus sống ở vùng mũi họng. Cảm thường sốt nhẹ kèm hắt hơi-sổ mũi-đau họng nhiều và ít khi kiệt sức, ít ho, ít biến chứng nặng, trong khi cúm thường gây sốt cao, đau nhức toàn thân, ho rất nhiều, suy kiệt nhanh, biến chứng nghiêm trọng về phổi và có thể tử vong nhưng lại hiếm khi hắt hơi sổ mũi đau họng.
Bệnh cúm ở trẻ em thường xuất hiện vào thời gian nào?
Mùa cúm thường vào tháng 9 đến tháng 4 năm sau, vậy nên mọi người (người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi) nên chủ động đi tiêm phòng vac-xin cúm hằng năm trước mỗi mùa dịch cúm, đặc biệt là những người trên 65 tuổi kèm bệnh lý mạn tính hoặc phụ nữ có thai, trẻ em dưới 2 tuổi.
Bộ Y tế Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đều khuyến cáo phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng quan trọng nhất cần tiêm ngừa cúm. Việc tiêm vắc xin ngừa cúm trước khi mang thai giúp bảo vệ cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ và những tháng đầu sau sinh, bởi thời gian tồn tại của kháng thể “mẹ truyền cho con” có thể kéo dài tới 9-12 tháng, hơn nữa trẻ em dưới 6 tháng tuổi chưa thể tiêm vắc xin cúm.
Tiêm ngừa cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do thời gian miễn dịch trung bình một năm, ngoài ra các virus cúm cũng thay đổi mỗi năm và thành phần vắc-xin ngừa cúm được tổ chức y tế thế giới điều chỉnh hàng năm nhằm phù hợp với chủng virus cúm đang lưu hành trên thế giới.
Vắc-xin cúm chưa nằm trong danh sách tiêm chủng mở rộng nên chúng ta cần mất tiền để tiêm, tuy nhiên chúng ta có thể dể dàng liên hệ các trung tâm dự phòng-tiêm chủng, các viện vệ sinh dịch tể để tiêm ngừa cúm hằng năm.
Khi bị cúm, chúng ta có thể điều trị tại nhà bằng cách: hạ sốt bằng paracetamol và chườm mát khi sốt cao, uống nhiều nước oresol, ăn nhiều hoa quả và các thực phẩm loãng. Với trẻ em cần cho nghỉ học, ủ ấm, vệ sinh lau rửa tay chân thường xuyên bằng nước ấm, nhỏ mắt-mũi bằng nước muối sinh lý để dự phòng bội nhiễm.
Những dấu hiệu cần nhập viện ngay: Sốt cao liên tục, trẻ em li bì khó đánh thức, nôn ói nhiều, thở mệt hổn hển, tím môi, có chấm xuất huyết dưới da, tiểu ra máu…
CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG BỆNH CÚM Ở TRẺ EM
- Tiêm vắc-xin dự phòng hằng năm là quan trọng nhất, chúng có thể giúp dự phòng bệnh cúm lên đến hơn 90%.
- Những đối tượng bắt buộc nên tiêm phòng vắc-xin cúm bao gồm phụ nữ dự định có thai, trẻ em 6 tháng đến 2 tuổi, các nhân viên y tế và những người nhà bệnh nhân tại bệnh viện, người có các bệnh mạn tính như hen suyễn, cao huyết áp, tiểu đường, suy giảm miễn dịch, suy tim suy thận…
- Tập thể thao, tăng cường dinh dưỡng vào mùa đông, đặc biệt là hoa quả và nước.
- Hạn chế tiếp xúc chỗ đông người vào mùa đông, nếu bắt buộc nên đeo khẩu trang nơi công cộng. Cơ quan có người nghi ngờ cúm thì nên cho nghỉ ngơi ở nhà vì cúm thường lây qua đường hô hấp, dịch tiết, bắt tay.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để loại trừ một trong những con đường lây lan hay gặp của bệnh cúm.
- Tạo thói quen vệ sinh các tay nắm cửa trong nhà, điện thoại, bàn phím…vì đây thường là ổ bệnh lây lan.
- Có thể dùng thuốc Amantadine để dự phòng cúm A, kháng sinh không có tác dụng điều trị cúm, chỉ dung kháng sinh khi bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn.
- Những trẻ em có tiền sử dị ứng trứng gà thì nên tham khảo thêm các bác sĩ trước khi tiêm vắc-xin cúm (Trong vắc-xin cúm có chứa protein của lòng trắng trứng gà sống, nên có thể có một tỷ lệ nhỏ trẻ bị dị ứng, nhưng không phải là tất cả).
Bên trên là những chia sẻ gửi đến mọi người với hy vọng mỗi mùa đông qua, con trẻ chúng ta vẫn luôn được chăm sóc và bảo vệ đúng cách.