Ung thư vú là kẻ “giết người” đứng số một ở nữ giới trong nhóm bệnh lý ung thư. Một thực tế ngang trái hiện nay đó là việc dự phòng và phát hiện sớm ung thư vú vô cùng đơn giản tuy nhiên sự hiểu biết cũng như cả sự quan tâm của chúng ta đến “kẻ giết người thầm lặng” này lại chưa tương xứng.
Mấy ai trong số các chị tạo thói quen đi khám và siêu âm vú mỗi 6 tháng một lần, mấy ai biết rằng ung thư vú có mang yếu tố di truyền tương đối rõ ràng, và hiện nay các nước phát triển đã sàng lọc sớm ung thư vú bằng công nghệ gen. Thêm nữa, chúng ta đã biết phải lưu ý những gì trong cuộc sống hằng ngày để dự phòng không không mắc phải ung thư vú.
10 NGUY CƠ DỄ MẮC PHẢI UNG THƯ VÚ
Ung thư vú cũng giống như rất nhiều ung thư khác, luôn có những yếu tố nguy cơ liên quan. Và nhiều nghiên cứu ở trung tâm y tế Mayoclinic cho thấy, nếu chúng ta thay đổi lối sống có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, thậm chí ngay cả ở những phụ nữ có nguy cơ cao. Những nguy cơ đó bao gồm:
Uống rượu
Nghiên cứu cho thấy càng uống nhiều rượu, nguy cơ mắc ung thư vú càng cao
Hút thuốc lá
Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa hút thuốc và nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Tăng cân-béo phì
Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú. Điều này đặc biệt đúng nếu béo phì xảy ra sau tuổi thanh niên, đặc biệt là sau khi mãn kinh.
Ăn uống thiếu khoa học
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, cũng như bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ.
Lười vận động thể chất và stress kéo dài
Hoạt động thể chất có thể giúp chúng ta duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm stress, giúp ngăn ngừa ung thư vú. Hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh nên vận động ít nhất 150 phút mỗi tuần cường độ nhẹ đến vừa như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga, bơi, múa… cộng với tập luyện sức mạnh ít nhất hai lần một tuần.
Không cho con bú hoặc cai sữa quá sớm
Cho con bú đóng một vai trò trong phòng ngừa ung thư vú. Cho con bú càng lâu, tác dụng bảo vệ và dự phòng ung thư vú càng lớn.
Sử dụng hóc-môn nội tiết
Liệu pháp hormone kết hợp sử dụng trên 3 – 5 năm làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Tiếp xúc với bức xạ và ô nhiễm môi trường
Những thăm dò hình ảnh như như chụp cắt lớp vi tính, chụp X-quang, chụp PET-CT hoặc những thăm dò sử dụng liều cao phóng xạ luôn làm tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt ở trẻ em gái. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy có mối liên hệ giữa ung thư vú với phơi nhiễm tích lũy bức xạ trong suốt cuộc đời.
Các biện pháp dự phòng ung thư vú
Tự khám và đi khám sức khỏe, kiểm tra vú định kỳ
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Bất cứ khối u nào cũng luôn cần thời gian hình thành và phát triển. Hơn nữa trong ung thư, việc phát hiện sớm giúp tiên lượng khả quan hơn rất nhiều. Nếu chúng ta nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở ngực, chẳng hạn như một khối u mới hoặc thay đổi trên da, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hãy tự khám vú cho mình mỗi ngày lúc tắm nhé, cách khám thế nào các chị tìm hiểu trên internet hướng dẫn rất chi tiết. Nữ giới cũng nên: Khám vú mỗi 6 tháng – 1 năm một lần bắt đầu ở tuổi 25. Chụp X- quang tuyến vú một lần mỗi năm bắt đầu ở tuổi 30 hoặc có thể sớm hơn nếu có nguy cơ cao hoặc có yếu tố gia đình và cân nhắc chụp cộng hưởng từ vú, sinh thiết nếu có chỉ định của bác sĩ.
Chủ động đi sàng lọc bằng công nghệ gen khi thấy mình có nguy cơ
Khoảng 5 – 10 % người bệnh bị ung thư vú là do đột biến gen. Đột biến ở hai gen chính BRCA1 và BRCA2 là nguyên nhân thường gặp của ung thư vú và ung thư buồng trứng. Những đột biến này làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng cũng như các bệnh ung thư khác.
Người ta ước tính nguy cơ suốt đời (đến 70 tuổi) của ung thư vú là từ 55% đến 70% đối với BRCA1 và 45% đến 70% đối với BRCA2. Điều này có nghĩa là trong một nhóm gồm 100 phụ nữ có đột biến gen BRCA1, từ 55 đến 70 phụ nữ sẽ bị ung thư vú trong cuộc đời của họ. Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng là khoảng 40% đến 45% đối với BRCA1 và 15% đến 20% đối với BRCA2.
Vậy nên nếu chúng ta thấy mình có nguy cơ thì hãy đến ngay bệnh viện để khám để tránh hoặc bệnh tiến triển nặng thêm.