Khi nghiên cứu cụ thể một quần thể, với n=550, các nhà dịch tễ học lâm sàng thấy rằng, tỷ lệ đau lưng chủ yếu gặp ở tuổi 36-45 (chiếm 26,8%), tăng lên ở nhóm người béo (32%) và béo phì (28,6%). Các yếu tố nguy cơ trong bệnh lý thoát vị đĩa đệm như là: nghề nghiệp mang vác nhiều, đi lại nhiều, các động tác cúi xoay nhiều…
Đối với cột sống cổ, cách thức mang vác đặc biệt (đội, vác…) của nông dân Việt Nam dường như tăng gáng nặng lên đĩa đệm. Ngoài ra, một số nghề nghiệp đặc biệt như diễn viên xiếc… cũng dẫn đến tăng tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
1. Tuổi: có thể gặp ở các lứa tuổi nhưng thoát vị đĩa đệm thường gặp ở lứa tuổi trẻ, hay gặp ở tuổi lao động, ít gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và người trên 60 tuổi. Rất nhiều các bệnh nhân trẻ tuổi rất lo lắng và giật mình khi bác sĩ kết luận bị thoát vị đĩa đệm vì nghĩ rằng mình đang còn quá trẻ, nhưng thực tế bệnh lý thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện ở người trẻ tuổi, đăch biệt ở các đối tương lao động nặng và ngồi lái ôtô nhiều.
2. Giới: thoát vị đĩa đệm gặp cả ở nam và nữ, tuy nhiên nam chiếm ưu thế hơn nữ có thể là do nam giới lao động và mang vác nặng nhiều hơn.
3. Nghề nghiệp: một số nghề buộc cột sống phải vận động quá giới hạn sinh lý như lái xe cơ giới, công nhân khuân vác, thợ xây dựng, thợ may … hoặc sau một đợt mang vác nặng đã trở thành yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đĩa đệm.
Những nghề đòi hỏi ngồi lâu trên ghế không có tay vịn/ghế đẩu/võng có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm. Ngồi trên sàn nhà, ngồi bắt chéo chân/tư thế ép táo, ví dụ: cầu nguyện, xem ti vi, ngồi ăn… Ngồi liên tục kéo dài (ví dụ, các công nhân làm việc ngồi, các công việc tôn giáo, những giám đốc phải ngồi nhiều, nhân viên lễ tân, người bán vé, lái xe, điều hành máy tính, người soạn văn bản, trực điện thoại…). Ngồi xổm. Sử dụng những dụng cụ phẳng, thấp khi ngồi (ví dụ cạo sàn nhà, nấu ăn, chế biến thực phẩm, thợ sửa xe đạp, xe máy, nhổ cỏ bằng tay, thợ gốm, làm đường, giặt giũ quần áo…) đều làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm.
Đi lên dốc, xuống dốc, đạp xe đạp hoặc leo cầu thang nhiều.
Cúi nhiều: (ví dụ: làm nghề nông, làm việc trên cánh đồng (không có mang vác nặng), nhổ cỏ, làm vườn, câu cá, chèo thuyền, giặt giũ, rải đường, thợ gốm, sửa khóa, dệt, đập gạch đá, làm nghề mộc, trát tường, làm gạch, đúc đồng, vv).
Đứng kéo dài: (Ví dụ: xếp hàng, bán hàng, y tá, bán hàng rong, thợ cắt tóc, bảo vệ, điều hành xe buýt, lái tàu, cảnh sát giao thông, giáo viên, lễ tân, tiếp viên hàng không, lực lượng an ninh, nhân viên y tế, thuộc da, vv).
Mang vác vật nặng: (Ví dụ: khuân vác, nghề nông, đào bằng mai thuổng, trồng trọt trên đất đồi núi, bán hàng rong, hái chè, thợ mỏ, công nhân công nghiệp, đập gạch, bảo vệ…). Mang vác nặng không chỉ làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm mà còn đẩy nhanh quá trình thoái hóa các đốt sống và đĩa đệm.
Kéo, đẩy nhiều: (Ví dụ: xe kéo, xe tải, kéo thuyền buồm…).
Rung toàn thân: (ví dụ: vận hành máy xay, nghiền, đập, máy cưa lớn, máy làm sợi đay, máy nghiền gạch đá…).
4. Cơ địa: có rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi nhưng bị thoái hóa và thoát vị rất nhiều các đĩa đệm dù không có tiền sử lao động nặng nề hay chấn thương từ trước, có thể nó liên quan đến quá trình tổng hợp cũng như chất lượng các thành phần collagen cấu tạo nên đĩa đệm.
5. Thừa cân, béo phì: nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm (đặc biệt ở cột sống thắt lưng) thường tăng cao ở những đối tượng này, và quá trình điều trị cũng phức tạp và khó khăn hơn.
6. Đau lưng mãn tính.
7. Mang giầy, dép cao gót thường xuyên
8. Áp lực tâm lý cao: bị stress kéo dài, công việc đòi hỏi chịu trách nhiệm cao, đòi hỏi sự tập trung cao độ, làm quá giờ nhiều.
9. Vận động sai tư thế: Đây là nguyên nhân hay gặp ở các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm cấp tính, bệnh nhân thường đau dữ dội vùng cột sống thắt lưng kéo giật xuống một hoặc hai chân sau khi bê vật nặng (bê chậu cây cảnh, bê chậu quần áo, bê bình nước..sai tư thế)
(Nguồn: Nguyễn Văn Thạch và cộng sự (2011) “Nghiên cứu thực trạng, các yếu tố nguy cơ và các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống” Đề tại độc lập cấp nhà nước, Bệnh viện HN Việt Đức)