PHÂN LOẠI THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM
Phân loại theo liên quan với dây chằng dọc sau
- Thoát vị nằm dưới dây chằng dọc sau: dây chằng dọc sau còn nguyên vẹn, chưa bị rách.
- Thoát vị qua dây chằng dọc sau: dây chằng dọc sau đã bị rách, khối thoát vị chui qua chỗ rách vào trong ống sống.
- Theo Wood, chia TVĐĐ làm bốn loại, theo sự tương quan giữa khối thoát vị của nhân nhầy với vòng sợi và dây chằng dọc sau:
- Phình đĩa đệm (Bulge): Là sự bè rộng của đĩa đệm ra xung quanh nhưng vẫn theo viền khớp, gây ra do yếu vòng xơ và dây chằng dọc sau, thường phình cân đối làm lõm bờ trước ống sống gây cản trở lưu thông dịch não tủy.
- Lồi đĩa đệm (Protrusion): Là sự phá vỡ vòng xơ, nhân keo chui ra ngoài tạo thành ổ lồi khu trú, tiếp xúc với dây chằng dọc sau nhưng vẫn liên tục với tổ chức đĩa đệm gốc.
- TVĐĐ thực sự (Extrusion): Là khối thoát vị đã chui qua vòng xơ, nhưng vẫn còn dính liền với phần nhân keo nằm trước dây chằng dọc sau.
- TVĐĐ có mảnh rời (Sequestration): Là có một phần khối thoát vị tách rời ra khỏi phần đĩa đệm gốc nằm trước dây chằng dọc sau, có thể di trú đến mặt sau thân đốt sống.
Mảnh rời này thường nằm ngoài màng cứng, nhưng đôi khi xuyên qua màng cứng gây chèn ép tủy. Cách phân loại này liên quan chặt chẽ với điều trị. Vì tỷ lệ bệnh nhân có phồng và lồi đĩa đệm rất cao, nhưng không nhất thiết phải điều trị phẫu thuật. Ngược lại kết quả phẫu thuật lại đạt cao nhất ở nhóm TVĐĐ có mảnh rời và sau đó là nhóm TVĐĐ thực sự.
Phân loại theo liên quan với rễ thần kinh, tủy sống
Rothman và Marvel đã chia TVĐĐ ra sau thành ba loại:
- TVĐĐ giữa (thoát vị trung tâm): Chủ yếu chèn ép tủy sống, gây bệnh cảnh lâm sàng của chèn ép tủy.
- TVĐĐ cạnh bên (thoát vị cạnh trung tâm): Chèn ép cả tủy sống và rễ thần kinh, gây bệnh cảnh lâm sàng chèn ép rễ và tủy phối hợp.
- Thoát vị lỗ ghép (thoát vị bên): Chủ yếu chèn ép rễ thần kinh, gây bệnh cảnh chèn ép rễ.
Cách phân loại này có ý nghĩa lớn trong chẩn đoán và điều trị phẫu thuật.
Phân loại theo vị trí.
- Thoát vị đĩa đệm ra sau.
- Thoát vị đĩa đệm ra trước.
- Thoát vị đĩa đệm vào thân đốt sống (thoát vị Schmorl)
Theo phân loại này, hầu hết các trường hợp có triệu chứng lâm sàng và chỉ định phẫu thuật đều thuộc nhóm thứ nhất (thoát vị đĩa đệm ra sau), tuy nhiên đây là kiểu phân loại ít được áp dụng trên thực tế lâm sàng.
(Nguồn: Nguyễn Văn Thạch và cộng sự (2011) “Nghiên cứu thực trạng, các yếu tố nguy cơ và các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống” Đề tài độc lập cấp nhà nước, Bệnh viện HN Việt Đức)