Bài viết chuyên sâuPhương pháp dùng thuốc đông y điều trị thoát vị đĩa đệm

Phương pháp dùng thuốc đông y điều trị thoát vị đĩa đệm
P

PHƯƠNG PHÁP DÙNG THUỐC ĐÔNG Y ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

Nghiên cứu này trên cơ sở biện chứng luận trị, chúng tôi phân thành 2 thể bệnh cơ bản là thể “Phong hàn thấp trở, can thận khuy tổn” và thể “Ứ huyết nội đình, can thận khuy tổn”. Từ đó, chúng tôi sử dụng 2 bài thuốc tương ứng là bài Độc hoạt tang ký sinh gia giảm (YT1) và bài thuốc Tứ vật đào hồng gia giảm (YT2). Hai bài thuốc cổ phương đều được nghiên cứu độc tính cấp tại khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện YHCT Quân đội.

Tiến hành điều trị

Đối với những bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn cấp tính, chúng tôi tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng trong tư thế nằm nghỉ tại giường để giảm đau trong 3 – 5 ngày. Sau đó tùy từng bệnh nhân với thể bệnh “Phong hàn thấp trở, can thận khuy tổn” hay “Ứ huyết nội đình, can thận khuy tổn” mà có phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể là:

1. Thể “Phong hàn bế trở, can thận khuy tổn”

+ Triệu chứng: Đau, nặng nề vùng thắt lưng; lưng, chân tay lạnh, có thể có tê bì hai chi dưới, sợ lạnh, sợ gió, hoa mắt chóng mặt, người mệt mỏi, lưỡi hồng, rêu trắng mỏng, mạch trầm trì hoặc huyền.
+ Pháp điều trị: Khu phong thấp, chỉ tý thống, ích can thận, bổ khí huyết.
– Phác đồ huyệt: Thận du, Can du, Hoàn khiêu, Túc tam lý, Ân môn, Thừa phù, Ủy trung, Phong thị, Túc lâm khấp.
– Thao tác: theo qui trình chung, tuy nhiên y sinh phải lấy động tác lăn làm chủ đạo. Phối hợp với động tác bóp, bật cơ vùng thắt lưng, hông kết hợp phát, xoa thắt lưng, hông và chân. Kết thúc lần điều trị, cho bệnh nhân nằm nghỉ trên giường 3 – 5 phút. Ngày điều trị 1 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 25 đến 30 phút. Mỗi liệu trình 10 ngày, cho bệnh nhân nghỉ 5 ngày, điều trị tiếp liệu trình thứ hai, kết thúc quá trình điều trị.
– Phương dược: Bài thuốc YT1 (Độc hoạt tang ký sinh gia giảm)
(Độc hoạt 12g, Phòng phong 12g, Tang ký sinh 12g, Tần giao 12g, Ngưu tất 15g, Tế tân 03g, Quế tâm 06g, Xuyên khung 10g, Qui vĩ 10g, Bạch thược 10g, Thục địa 10g, Diên hồ sách 15g, Ngải tượng 15g, Đỗ trọng 15g, Tục đoạn 15g).
– Cách dùng: Thuốc sắc theo qui trình chuẩn của Viện Y học cổ truyền Quân đội, uống 01 thang/ngày, chia hai lần, mỗi lần 150 ml, sau khi ăn, liên tục trong 10 ngày/liệu trình, nghỉ 5 – 7 ngày uống tiếp liệu trình hai × 10 ngày.

2. Thể “Ứ huyết nội đình, can thận khuy tổn”

+ Triệu chứng: Đau thắt lưng thường do chấn thương gây ra; đau vùng thắt lưng như châm chích, đau cố định tại một điểm; khó quay người; lưỡi tím nhạt, có điểm ứ huyết; mạch trầm sáp hoặc huyền sáp.
+ Pháp điều trị: Hoạt huyết, hành khí chỉ thống, bổ can thận.
– Phác đồ huyệt: Thận du, Đại trường du, Hoàn khiêu, Thừa phù, Ủy trung, Thừa sơn, Côn lôn, Chiếu hải, Thái xung.
– Thao tác: theo quy trình điều trị chung, tuy nhiên động tác nhẹ nhàng nhưng phải đạt đến độ thấm sâu, lấy động tác day vùng thắt lưng làm chủ, kết hợp với động tác bấm huyệt, xoa và vận động cột sống.
– Phương dược: Bài thuốc YT2 (Đào hồng tứ vật thang gia giảm)
(Xuyên khung 10g, Đương qui 10g, Thục địa 10g, Bạch thược 10g, Đào nhân 10g, Hồng hoa 08g, Xích thược 12g, Diên hồ sách 15g, Ngải tượng 15g, Ngũ gia bì 12g, Ô dược 12g, Đỗ trọng 15g, Ngưu tất 15g).
– Cách dùng: Thuốc sắc theo qui trình chuẩn của Viện Y học cổ truyền Quân đội, uống 01 thang/ngày, chia hai lần, mỗi lần 150 ml, sau khi ăn, liên tục trong 10 ngày/liệu trình, nghỉ 5 – 7 ngày uống tiếp liệu trình hai × 10 ngày.

Hướng dẫn bệnh nhân tự tập luyện

Nhấn mạnh cho bệnh nhân biết quá trình điều trị có ý nghĩa quyết định đối với việc điều trị TVĐĐ cột sống thắt lưng giúp bệnh nhân trở về với cuộc sống sinh hoạt và làm việc bình thường. Tuy nhiên, có giữ được kết quả điều trị, duy trì ổn định lâu dài hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào chế độ sinh hoạt và tập luyện của bệnh nhân sau quá trình điều trị. Sau đây là hướng dẫn luyện tập kéo giãn cột sống bằng phương pháp treo người đơn giản:
1. Dụng cụ tập
Giống xà đơn thông thường, nếu tự tạo nên dùng ống sắt đường kính 2-3cm hoặc thân cây tre đực già. Chiều cao của xà lớn hơn chiều cao của người tập khi đứng thẳng, giơ thẳng tay lên trên, tính từ đầu ngón tay giữa là 25cm. Dưới chân xà lấy chính tâm đo ngang sang hai bên một khoảng 60cm, đặt 2 bục gỗ nhỏ hoặc 2 viên gạch vừa chân với chiều cao 5-7cm. Địa điểm đặt xà phải thoáng mát về mùa hè, ấm và tránh gió lùa về mùa đông, thuận tiện tập được trong mọi thời tiết.

2. Phương pháp tập
Hướng dẫn người tập sau khi làm một vài động tác hít thở nhằm giãn cơ thì bước hai chân lên hai bục, hai tay giơ cao mở bằng vai nắm lấy xà, tư thế thoải mái. Buông hai chân vào khoảng không, toàn thân duỗi hoàn toàn. Lúc này cột sống được kéo giãn và điều chỉnh hoàn toàn sinh lý bằng chính trọng lượng của bản thân người tập. Thời gian đầu treo 40-60 giây thấy mỏi tay thì xuống nghỉ và cũng phải tuân thủ đặt hai chân trở lại bục rồi buông tay để xuống. Nghỉ một phút treo lại, 3 lần treo trong một buổi tập, tập hai lần trong ngày, sáng ngủ dậy và tối trước khi ngủ. Sau 3 đến 5 ngày khi đã quen, thời gian treo xà tăng 60 giây đến 2 phút, 5 lần treo cho một buổi tập. Treo xà kiên trì từ 3 tháng đến một năm.
* Chú ý trong khi tập: Nhắc nhở bệnh nhân khi lên xuống xà không được nhảy, không đánh, lắc co, kéo người.

3. Căn dặn bệnh nhân
– Không cúi, mang vác, với, kéo, xách vật nặng.
– Không chơi thể thao có các động tác xoắn vặn, cúi gập cột sống.
– Không ngồi lâu dưới đất hoặc nằm ngủ dưới nền nhà, tránh lạnh đột ngột.
– Khi ngủ dậy phải tuân thủ tư thế nằm nghiêng người thả hai chân xuống đất rồi dậy. Không dậy theo tư thế bật người. Không ngồi và nửa nằm nửa ngồi theo tư thế vặn xoắn, không ngồi xổm vắt chân chữ ngũ.
– Không đi dép, giầy cao gót.
– Khi ho nên ở tư thế ngồi.
– Nên bơi lội.

(NGUỒN: Nguyễn Văn Thạch và cộng sự (2011)Nghiên cứu thực trạng, các yếu tố nguy cơ và các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống” Đề tài độc lập cấp nhà nước, Bệnh viện HN Việt Đức)

Đừng bỏ lỡ

Bài viết mới

More article