Bài viết chuyên sâuThoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cùng: Lúc nào cần...

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cùng: Lúc nào cần phẫu thuật? Phẫu thuật theo phương pháp nào là tốt nhất? Các nguy cơ của phẫu thuật?
T

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng-cùng là một trong những bệnh lý thường gặp nhất trong nhóm các bệnh liên quan đến cột sống. Thực tế có ba câu hỏi các bác sĩ chuyên khoa cột sống hay gặp ở các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm (TVDD) cột sống nói chung và bị TVDD cột sống thắt lưng cùng nói riêng: Bệnh thoát vị đĩa đệm khi nào cần phẫu thuật? Nếu có thì phẫu thuật theo phương pháp nào là tốt nhất?nguy cơ bị liệt cũng như các tai biến, biến chứng khác do phẫu thuật có cao hay không? Trong bài viết này Bs khánh xin được trả lời ngắn gọn ba câu hỏi trên, về cơ bản đây cũng chính là câu trả lời cho bệnh lý TVDD cột sống nói chung.

Lúc nào thì phải phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cùng?

Thưa các bạn, điều đầu tiên trước khi đặt câu hỏi đó các bạn cần chắc chắn rằng mình đã được chẩn đoán xác định là bị TVDD cột sống thắt lưng-cùng. Thực tế việc chẩn đoán này không quá khó khăn vì hiện nay đã có phim chụp cộng hường từ cột sống (MRI cột sống), đó được coi như tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh lý này. Hiện nay bác sĩ vẫn gặp một lượng bệnh nhân không nhỏ có suy nghĩ rằng chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) cột sống mới có giá trị nhất để chẩn đoán bệnh lý này, thực tế không phải như vậy, phim chụp cắt lớp vi tính cột sống chỉ có giá trị cao để đánh giá về các vấn đề của xương đốt sống, ít có giá trị trong việc đánh giá các tổn thương phần mềm như thoát vị đĩa đệm, tổn thương dây chằng, tổn thương thần kinh tủy sống…

Sau khi đã có chẩn đoán xác định bị TVDD cột sống thắt lưng-cùng bởi các bác sĩ chuyên khoa về cột sống, vấn đề phẫu thuật có đặt ra luôn hay không? Thưa các bạn, bác sĩ chỉ có một câu trả lời duy nhất: tùy từng trường hợp cụ thể các bạn ạ. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng phù hợp với hình ảnh thoát vị đĩa đệm trên phim chụp cộng hường từ, kèm theo có biểu hiện các triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa (yếu cẳng-bàn chân, tê bì đau buốt vùng mông và cùng cụt, bí tiểu), hoặc có yếu liệt hai chân tiến triển, hoặc có biểu hiện teo cơ, hoặc đã điều trị nội khoa và phục hồi chức năng tích cực 6 tháng không cải thiện triệu chứng, hoặc bệnh nhân có các biểu hiện tác dụng phụ của điều trị nội khoa như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, hội chứng giả Cushing..thì bác sĩ khuyên nên phẫu thuật sớm.

Một yếu tố cân nhắc phẫu thuật nữa đó là bênh nhân mới bị thoát vị đĩa đệm nhưng biểu hiên quá đau, ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sinh hoạt cũng như công việc hằng ngày.

Nhiều bệnh nhân tỏ ra lo lắng vì bị thoát vị đĩa đệm khi còn quá trẻ (20->40 tuổi) hoặc lo lắng sau phẫu thuật liệu cột sống của mình còn “ổn” hay không, còn lao động được nữa hay không? Bác sĩ xin trả lời: TVDD là nhóm bệnh lý thường gặp ở người trẻ tuổi hoặc trong độ tuổi lao động và quá trình phẫu thuật các bác sĩ chỉ can thiệp tối thiểu đến mức có thể để bảo tồn tối đa các cấu trúc giải phẫu cũng như các chức năng cột sống của bạn nên các bạn không quá lo lắng cột sống của mình sẽ bị “yếu” đi sau phẫu thuật, chính việc các bạn do dự và đi tìm các phương pháp điều trị khác (đông y, thuốc nam, châm cứu, kéo giãn cột sống..) khi bệnh lý của mình đã đến lúc có chỉ định phẫu thuật đã làm cho các bạn bỏ lỡ đi khoảng thời gian quý báu của việc phẫu thuật và giải phóng chèn ép thần kinh sớm, yếu tố quan trọng giúp phục hồi hoàn toàn chức năng cột sống của bạn sau phẫu thuật.

Phẫu thuật theo phương pháp nào là tốt nhất?

Thưa các bạn! Bs lại chỉ có một câu trả lời duy nhất: tùy từng trường hợp cụ thể các bạn ạ. Đối với TVDD cột sống thắt lưng-cùng, hiện nay trên Thế giới cũng như tại Việt Nam đã có rất nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, Bs có thể liệt kê ra ở đây một số phương pháp hay áp dụng như: Phẫu thuật lấy nhân thoát vị, giải phóng chèn ép rễ thần kinh đơn thuần bằng kỹ thuật mổ mở (là phương pháp kinh điển, đến nay vẫn đang còn rất nhiều giá trị) hoặc bằng kỹ thuật mổ ít xâm lấn qua hệ thống ống nong (Minimally Invasive Discectomy-MID) hoặc bằng kỹ thuật mổ nội soi qua lỗ liên hợp, kỹ thuật mổ nôi soi qua liên cung sau.

Ngoài ra bệnh nhân còn có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật mổ mở lấy nhân thoát vị đĩa đệm phối hợp đặt dụng cụ silicon liên cung sau giúp hỗ trợ cột sống sau mổ, hoặc khi thoát vị đĩa đệm của bạn có kèm theo mất vững cột sống, hẹp ống sống nặng hoặc đĩa đệm của bạn bị “hỏng”, bị xẹp quá nhiều, phương pháp phẫu thuật mổ mở lấy bỏ đĩa đệm hỏng và nhân thoát vị kết hợp đặt miếng ghép thay thế và bắt vít cố định cột sống (kỹ thuật TLIF, MIS TLIF, PLIF, ALIF..) sẽ được đặt ra.

Hơn nữa, thời gian gần đây tại khoa Phẫu thuật cột sống-BV Việt Đức (Hà Nội), các bác sĩ đã triển khai phẫu thuật thay thế đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng-cùng và bước đầu cho kết quả rất khả quan, hoặc sử dụng kỹ thuật bắt vít cột sống có sử dụng sự hỗ trợ định vị chính xác của robot, một công nghệ rất tiên tiến với độ chính xác và an toàn rất cao.

Như vậy các bạn có thể thấy với cùng một bệnh lý TVDD, chúng ta đã có rất nhiều các phương pháp phẫu thuật khác nhau, và mỗi phương pháp sẽ có những chỉ định riêng, ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào tốt nhất cho bạn sẽ được bác sĩ phân tích và tư vấn chi tiết để các bạn tự đưa ra quyết định cho mình.

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cùng có thể có những tai biến, biến chứng gì?

Cũng như tất cả các phẫu thuật khác, các phương pháp phẫu thuật điều trị TVDD cột sống đều có những nguy cơ chung của một ca phẫu thuật thông thường như tai biến của gây mê, gây tê (dị ứng thuốc, sốc thuốc..), của phẫu thuật (nhiễm trùng, chảy máu..) và thậm chí là tử vong.

Với phẫu thuật điều trị TVDD cột sống thắt lưng-cùng, chúng ta còn phải đối mặt với những tai biến, biến chứng đặc thù như rách màng cứng trong mổ gây rò dịch não tủy, gây nhiễm trùng và viêm màng não, tổn thương các dây thần kinh gây yếu chân, rối loạn đại tiểu tiện, tổn thương các mạch máu trong ổ bụng (động-tĩnh mạch chủ-chậu)..

Bs liệt kê ra như vậy nhưng xin các bạn đừng quá lo lắng, việc phẫu thuật một cơ thể con người là một vấn đề rất quan trọng và đòi hỏi độ an toàn rất cao (gần như tuyệt đối), vì vậy tất cả các phẫu thuật viên cũng như toàn bộ “ê-kíp” phẫu thuật phải có sự chuẩn bị hết sức chu đáo và đầy đủ cả về con người cũng như các trang thiết bị trước mỗi ca mổ nhằm hạn chế đến mức tối đa các tai biến và biến chứng có thể xảy ra.

Trước mổ, việc thăm khám, đánh giá tỉ mỉ nhưng rất toàn diện tình trạng bệnh của bệnh nhân và giải thích cho bệnh nhân cũng như người thân-gia đình bênh nhân hiểu được tất cả các vấn đề liên quan đến ca phẫu thuật là điều cần thiết.

Hơn nữa, với sự phát triển vượt bậc của khoa học y học nói chung và của chuyên ngành phẫu thuật cột sống nói riêng, việc làm chủ các kỹ thuật mổ cột sống để mang lại kết quả điều trị khả quan cho bệnh nhân đã được đội ngũ y bác sĩ thực hiện gần 10 năm nay tại khoa Phẫu thuật cột sống-Bệnh viên Việt Đức.

Hệ thống theo dõi tình trạng bệnh nhân trong mổ, máy chụp X-quang di động, kính vi phẫu thuật, hệ thống ống nong ít xâm lấn và cáp quang, dàn máy phẫu thuật nội soi, khoan mài kim cương tốc độ cao, robot định vị chính xác..và đặc biệt là đội ngũ các phẫu thuật viên được đào tạo bài bản và chuyên sâu về chuyên ngành phẫu thuật cột sống, đó chính là cơ sở để các bạn có thể yên tâm điều trị phẫu thuật.

Theo ý kiến của riêng cá nhân bác sĩ, các bạn hãy đưa ra quyết định phẫu thuật sớm khi khi tình trạng bệnh lý TVDD cột sống của mình đã đến lúc có chỉ định phẫu thuật.

Thân ái!

1 COMMENT

  1. Cẩm ơn bác sẽ khánh đã nêu đầy đủ về cách mổ thoát vị đĩa đệm tôi đọc cũng chỉ hiểu một phần rất nhỏ về bệnh thoát vị của mình .Toi muốn chia sẻ cùng bác sẽ là tôi bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ và đã được BS Đường đại Hà mổ những này vẫn khống hề giảm tệ hai tay tôi rất muốn được j BS khánh từ vấn về thoát vị đốt sống cổ và thoát vị đốt sống lưng của tôi xem nên điều trị cụ thể phường pháp nào.

Comments are closed.

Đừng bỏ lỡ

Bài viết mới

More article