Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là một trong những bệnh lý tim mạch vô cùng nguy hiểm và nhiều trong chúng ta mắc phải tuy nhiên lại thường được phát hiện muộn, khi trái tim đã bị vi khuẩn “gặm nhấm và tàn phá” nghiêm trọng. Để giúp phần nào hiểu và dự phòng cũng như phát hiện sớm được căn bệnh này những thông tin cơ bản dưới đây sẽ giúp ích cho chúng ta.
TỔNG QUAN VỀ VIÊM NỘI TÂM MẠC NHIỄM KHUẨN
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là tình trạng viêm-nhiễm trùng màng trong của tim mà nguyên nhân thường do liên cầu khuẩn Streptococci (tầm 50-60%), cầu khuẩn đường ruột Enterococci (tầm 10%), tụ cầu khuẩn Staphylococci (tầm 5-10%). Ngoài ra còn có thể gặp do trực khuẩn, bạch hầu, thậm chí là nấm (Candida, Aspergillus spp..).
Với bệnh lý này nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng kéo dài, các van tim bị tổn thương nghiêm trọng, viêm màng ngoài tim, rối loạn dẫn truyền tim, suy tim, tắc mạch não cũng như tắc mạch bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, phình mạch máu não hình nấm, tổn thương lách,… và thậm chí là tổn thương các khớp, suy thận cấp. Đây là bệnh lý phức tạp trong cả chẩn đoán lẫn điều trị, ở đó việc nghĩ đến nó để làm các thăm dò chẩn đoán giúp phát hiện sớm là điều vô cùng quan trọng.
NGUY CƠ VÀ TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM NỘI TÂM MẠC NHIỄM KHUẨN
Nguy cơ mắc bệnh
Những người có tiền sử THAY VAN TIM NHÂN TẠO hoặc các BỆNH LÝ TIM MẠCH khác như hẹp-hở các van tim, bệnh lý van động mạch chủ, bệnh tim bẩm sinh có tím tái, còn ống động mạch, huyết khối buồng tim sau nhồi máu cơ tim, thoái hoá van tim người già, tồn tại lỗ thông các buồng tim hoặc đã bị viêm nội tâm mạc từ trước,… là những người có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn tăng cao lên nếu kèm theo tiểu đường, suy gan thận, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch, viêm quanh chân răng, tiêm truyền tĩnh mạch, tiền sử mổ cũ, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc tiết niệu trước đó.
Triệu chứng của Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Triệu chứng nổi bật có thể bao gồm sốt – thiếu máu và có tiếng thổi mới ở tim (do các cấu trúc tim bị tổn thương). Ngoài ra có thể xuất hiện chấm xuất huyết nhỏ các vị trí, mệt mỏi chán ăn và gầy sút cân. Sốt thường nhẹ kèm gai rét-ra mồ hôi trộm và kéo dài nhiều tuần, tiêm kháng sinh có thể cắt sốt được vài hôm lại bị sốt lại.
Khi có những yếu tố nghi ngờ ở trên, chúng ta cần đến trung tâm tim mạch chuyên sâu để khám xét cẩn thận. Ở đó các bác sĩ sẽ thăm khám kỹ, cấy máu, siêu âm tim cũng như thực hiện những thăm dò cần thiết khác để đi đến chẩn đoán và tiên lương bệnh cũng như lên phác đồ đồ điều trị sớm nhất có thể.
DỰ PHÒNG PHÒNG TRÁNH VIÊM NỘI TÂM MẠC NHIỄM KHUẨN
- Tạo thói quen vệ sinh ngoài da và răng miệng thường xuyên, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như bị bệnh lý tim mạch, người có van tim nhân tạo, người suy giảm miễn dịch hoặc các bệnh lý mạn tính khác.
- Khi có áp xe-vết thương ngoài da hay nhiễm trùng họng, tiết niệu, tai giữa, viêm quanh chân răng…cần được khám và điều trị nghiêm túc. Sự hời hợt hay xem nhẹ những tổn thương này chính là chúng ta đang tạo điều kiện “mở đường” cho vi khuẩn xâm nhập vào máu và trú ngụ nơi tim.
- Khi tiêm truyền cần có chỉ định của nhân viên y tế và tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn. Hiện nay nhiều người còn rất dễ dãi trong vấn đề tiêm truyền.
- Mọi người không nên tự ý dùng kháng sinh trong bất kỳ trường hợp nào.
- Không khuyến khích xỏ lỗ tai.
- Cần báo nhân viên y tế trước mỗi lần thăm khám hay can thiệp về tiền sử thay van tim, bệnh lý tim mạch cũ hay tiền sử các bệnh lý khác của chính mình để các y bác sĩ có thái độ xử trí phù hợp.
- Cần đi khám sớm chuyên khoa sâu về tim mạch nếu xuất hiện một trong những dấu hiệu kể trên (sốt âm ỉ kéo dài, mệt mỏi, gầy sút cân…), đặc biệt sau khi can thiệp tim-mạch hoặc sau những can thiệp phẫu thuật xâm lấn khác trên cơ thể.
Những thông tin bổ ích trên hi vọng sẽ giúp chúng ta cảnh giác hơn, không được lơ là trong việc chăm sóc sức khoẻ của bản thân và người thân trong gia đình mình.